Hãy tiếp tục
đi con đường của mình
Một học trò hỏi
Đức Phật:
- Nếu một người
nào đấy đánh con thì con cần phải làm gì?
Đức Phật hỏi
lại:
- Nếu một cành
cây khô từ trên cây rơi xuống người con thì con phải làm gì?
Người học trò
trả lời:
- Thì con biết
làm sao được? Đấy là một sự trùng lặp ngẫu nhiên do con đã có mặt ngay đúng cái
lúc cành cây khô rơi xuống.
Đức Phật nói:
- Thì con cũng
tỏ thái độ của con như thế. Chẳng qua là có một ai đấy điên cuồng, trong cơn
giận dữ đã đánh con. Điều này cũng giống như cành cây khô đã rơi xuống người
con vậy. Con chớ lấy làm phiền muộn, chỉ đơn giản là hãy tiếp tục đi con đường
của mình có vẻ như là không có điều gì xảy ra cả.
Gieo gì gặt
nấy
Một lần Đức Phật
đi qua một ngôi làng của những người căm ghét Phật giáo. Những người dân ở đây
đổ ra đường vây lấy Ngài và nói những lời sỉ nhục. Những học trò của Ngài đã
cảm thấy bực tức và ra sẵn sàng chửi lại nhưng trước mặt Thầy họ vẫn cố giữ vẻ
bình tĩnh. Còn những gì mà Thầy nói ra
thì làm cho cả học trò lẫn những kẻ chống đối đều cảm thấy lúng túng.
Ngài quay lại
nói với những học trò của mình:
- Các con đã làm
ta thất vọng. Những người này làm việc của họ. Họ đang giận dữ. Dường như ta là
kẻ thù của tôn giáo họ và những giá trị đạo đức của họ. Những người này phỉ
báng ta là điều tất nhiên nhưng mà các con. Tại sao các con lại giận dữ? Tại
sao các con lại làm vậy cơ chứ? Các con làm cho họ làm theo. Các con bị phụ
thuộc vào họ. Chẳng phải như thế là mất tự do sao?
Những người dân
ở ngôi làng kia cảm thấy bối rối trước phản ứng như vậy. Khi họ bắt đầu im
lặng, Ngài nói với họ:
- Các người đã
nói hết chưa? Nếu các người chưa nói hết thì hãy nói ra tất cả những gì muốn
nói khi chúng tôi quay trở lại nơi này.
Những người dân
ở đây trả lời:
- Nhưng chúng
tôi đã sỉ nhục ông, sao ông không giận gì chúng tôi cả?
Đức Phật nói:
- Các người là tự
do. Những gì các người làm là quyền của các người. Ta không phản ứng gì với
việc này. Ta cũng là người tự do. Không ai bắt ta phải có phản ứng và không ai
có thể ảnh hưởng đến ta hay điều khiển ta. Những hành động của ta xuất phát từ
bên trong. Và ta muốn hỏi một câu có liên quan đến các người. Ở ngôi làng trước
làng này, dân chúng đã đón chào ta, họ mang theo hoa và bánh kẹo, trái cây. Ta
nói với họ: “Cám ơn, nhưng mà chúng ta đã ăn no. Xin mọi người hãy mang những
thứ quà này cùng với lời cám ơn của ta về nhà”.
Còn bây giờ ta
muốn hỏi:
- Những người
dân ở ngôi làng ấy sẽ làm gì khi ta trả lại những món quà cho họ?
Một người trong
đám đông nói:
- Họ sẽ đem chia
những món quà đó cho trẻ nhỏ, cho những thành viên trong gia đình của mình.
- Thế các người
sẽ làm gì với những lời sỉ nhục và thóa mạ. Ta không tiếp nhận nó mà trả lại
cho các người. Nếu ta trả lại những món quà là bánh kẹo và trái cây thì người
ta phải lấy lại. Còn các người thì sẽ làm gì? Ta không nhận những lời thóa mạ
của các người, thế nên các người hãy mang nó về nhà và làm gì theo ý muốn.
Mỗi người
theo cách của mình
Một hôm Đức Phật
cùng những học trò dừng lại nghỉ ở dưới một gốc cây cổ thụ thì có một đoàn
người dẫn đến một người mù. Một người trong số họ nói với Đức Phật:
- Chúng con dẫn
đến cho Ngài một người mù bởi vì người này không tin vào sự tồn tại của ánh
sáng. Người này chứng minh cho mọi người rằng ánh sáng không tồn tại. Người này
có một trí tuệ sắc sảo và lập luận logic. Tất cả chúng con biết là ánh sáng tồn
tại nhưng chúng con không thuyết phục được người này. Ngược lại, lý lẽ của
người này đã làm cho một số người nghi ngờ. Anh ta nói: “Nếu ánh sáng tồn tại
thì hãy cho tôi sờ nó, tôi nhận biết đồ vật bằng xúc giác. Hoặc là cho tôi nếm
mùi vị, hoặc ngửi nó. Hoặc các người đánh vào nó như đánh trống để cho tôi nghe
nó như thế nào”. Chúng con đã mệt mỏi với người này, Ngài hãy giúp chúng con.
Đức Phật nói:
- Người mù đúng.
Đối với anh ta thì ánh sáng không tồn tại. Tại sao anh ta lại phải tin. Chân lý
ở một điều rằng, người này cần thầy thuốc chứ không phải nhà thuyết giáo. Các
con phải đưa anh ta đến bác sĩ chứ không phải thuyết phục anh ta.
Nói rồi Ngài gọi
thầy thuốc riêng của mình. Người mù hỏi:
- Thế cuộc tranh
luận thì sao?
Đức Phật trả
lời:
- Con hãy đợi ít
lâu, cứ để cho thầy thuốc xem mắt con đã.
Thầy thuốc xem
mắt người mù rồi nói:
- Cần ít nhất
nửa năm để chữa cho người này sáng mắt.
Đức Phật nói:
- Ngươi hãy ở
lại đây cho đến khi chữa cho người này mắt sáng. Khi người này nhìn thấy ánh
sáng thì hãy dẫn đến ta.
Nửa năm sau
người mù kia được chữa lành, người này chạy đến quì dưới chân Đức Phật. Ngài
nói với người này:
- Bây giờ thì có
thể tranh luận. Trước đây mỗi người sống trong một hoàn cảnh nên tranh luận là
không thể.
Hãy giúp mình
trước đã
Một người tìm
Đức Phật và nói:
- Tôi là một
người rất giàu có, tôi không có con và vợ tôi đã chết sớm. Tôi muốn làm một
việc thiện nào đấy. Tôi có thể làm gì cho những kẻ nghèo hèn? Xin hãy nói cho
tôi biết.
Nghe xong những
lời này, Đức Phật rất buồn và những giọt nước mắt của Ngài chảy dài trên má.
Người giàu có
cảm thấy vô cùng bối rối. Người này hỏi:
- Tại sao Ngài
rơi nước mắt? Tại vì sao Ngài buồn bã như vậy?
Đức Phật trả
lời:
- Rất tiếc là
con chưa thể giúp gì được cho ai một khi con chưa giúp được cho mình. “Gang
thép” trong người con chưa trở thành vàng, con chưa có được sự cảm thông vì
rằng năng lượng của con đang dưới đáy tận cùng. Giờ con muốn giúp đỡ những kẻ
nghèo hèn nhưng con chưa đủ sự giác ngộ. Con chưa có được cái điểm giữa, nơi mà
lòng thương, sự cảm thông từ đó đi ra.
Nhớ lại mình
Đức Phật kể cho
các học trò nghe một câu chuyện về một con sư tử cái thời thượng cổ đã nhảy từ
ngọn núi này sang ngọn núi khác. Con sư tử cái này đang mang thai và đã sinh
con trong bước nhảy.
Sư tử con rơi
vào một bầy cừu và bầy cừu này đã chăm sóc và nuôi nấng nó trưởng thành. Dĩ
nhiên, sư tử con này cho mình là cừu, chỉ có điều, nó to lớn và vẻ ngoài thì
không giống với ai cả. Có thể, nó là quái thai nhưng nó vẫn lớn lên như vậy.
Một hôm có con
sư tử già đi kiếm mồi đã gặp bầy cừu nọ. Sư tử già cảm thấy không tin vào mắt
mình: giữa bầy cừu nhỏ con có một con sư tử to lớn nhưng bầy cừu không hề sợ
nó. Sư tử già đuổi theo bầy cừu và cuối cùng cũng bắt được sư tử con.
- Hãy để cho ta
trở về với những người anh em – sư tử con nài nỉ.
Nhưng sư tử già
kéo nó đến một hồ nước trong vắt và phẳng lì như mặt gương, bắt sư tử con nhìn
vào bóng của mình trong gương nước lặng, còn bên cạnh là bóng của sư tử già.
Trong cái khoảnh khắc nhận ra mình là ai, sư tử con đã gầm lên làm rung chuyển
cả khu rừng. Trước đây nó chưa bao giờ gầm lên như vậy cả bởi vì nó luôn coi
mình là cừu và chưa bao giờ nghi ngờ điều này.
Sư tử già nói:
- Việc của ta ta
đã làm xong. Bây giờ tất cả phụ thuộc vào con. Liệu con có muốn quay về với
chủng tộc mình?
Sư tử con cười
nói:
- Xin lỗi, ta đã
hoàn toàn quên mất rằng mình là ai. Cám ơn ngài đã giúp cho ta nhớ lại.
Cái nhìn
trong sáng
Ngày xưa ở Trung
Hoa có một nhà sư của Đạo Pháp (Đạt-ma). Nhà thơ Tô Đông Pha chơi thân với nhà
sư này. Một hôm Tô Đông Pha ngồi bắt chước kiểu Phật ngồi và hỏi nhà sư:
- Trông tôi
giống ai?
- Ông giống Bụt
– nhà sư trả lời.
Một lúc sau Tô
Đông Pha nói với nhà sư:
- Thế sư có biết
là sư giống ai không? Sư giống một cục cứt!
Nhà sư không hề
cảm thấy bối rối vì điều này, vẫn tiếp tục cười vui vẻ. Tô Đông Pha hỏi nhà sư:
- Tại vì sao sư
không hề giận gì cả?
Nhà sư trả lời:
- Ai giác ngộ
được bản chất của Bụt ở trong mình, sẽ nhìn thấy Bụt ở trong mỗi con người. Còn
ai trong suy nghĩ chỉ có cứt với phân thì sẽ nhìn thấy mỗi con người đều giống
với một cục cứt.
Tiếp nhận
cuộc sống
Ngày xưa trong
một ngôi làng nhỏ ở Nhật, nơi thiền sư Hakuin sống và hành đạo, có một cô gái
trẻ mang thai. Bố mẹ cô gái bắt ép cô phải khai ra người tình, để tránh sự
trừng phạt của gia đình, cô gái đã khai đấy là thiền sư Hakuin.
Ông bố của cô
gái im lặng không nói gì nhưng đến ngày cô gái sinh ông liền mang đứa bé đến
trao cho Hakuin cùng với những lời phỉ báng nhục nhã mà chính bản thân ông cũng
đã chịu đựng khi sự việc xảy ra với đứa con gái của ông. Sau khi nghe hết những
lời buộc tội, vị tu sĩ chỉ thốt lên: “Thế à?” rồi nhận lấy đứa trẻ sơ sinh.
Kể từ ngày đó,
dù có đi đâu, vị tu sĩ luôn quấn đứa bé trong ống tay của chiếc áo choàng nhàu
nát, mang đứa bé theo mình. Ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, vị tu sĩ đến
những nhà hàng xóm xin sữa để nuôi đứa bé. Nhiều học trò của ông coi ông là vị
thiền sư đổ đốn, hư hỏng và lần lượt từ bỏ ông. Còn Hakuin vẫn lặng lẽ, không
nói một lời nào.
Một năm sau, mẹ
của đứa bé không chịu nổi cảnh xa con, đã nói sự thật với bố mẹ mình về cha của
đứa bé là chàng trai bán cá ngoài chợ. Thế là ông bố của cô gái liền chạy đến
Hakuin xin ông tha thứ cho chuyện xảy ra và xin đem đứa bé về. Hakuin cũng chỉ
nói: “Thế à?” và trao lại đứa bé.
Đấy là sự tiếp
nhận cuộc sống, đấy là sự đồng thuận. Hãy tiếp nhận cuộc đời như vốn có, khi
đó, bạn sẽ thoát khỏi những mong muốn và cảm thấy niềm vui mà không cần có
nguyên nhân. Khi niềm vui có nguyên nhân thì niềm vui này không được lâu. Nếu
niềm vui mà không có bất cứ nguyên nhân nào thì niềm vui này là mãi mãi.
Cuộc đời chứ
không phải logic
Ngày vị sư thầy
của mình chết thiền sư Nghĩa Huyền ở chùa Lâm Tế đã khóc, làm cho mọi người
ngạc nhiên. Nước mắt của ông chảy dài trên má làm cho một người băn khoăn hỏi:
- Sao ông làm
thế? Bao nhiêu con người có mặt ở đây cảm thấy choáng vì hành xử của ông: “Thật
không thể như thế được! Lâm Tế Nghĩa Huyền khóc! Chúng tôi vẫn nghĩ là ông hoàn
toàn không bị ràng buộc, linh hồn ông hoàn toàn tự do. Thế mà bây giờ ông khóc!
Ông vẫn dạy chúng tôi rằng linh hồn là bất tử, rằng thể xác chỉ là cái vỏ vật
chất mà sẽ hao mòn theo thời gian rồi trở về với cát bụi. Thế mà tại sao hôm
nay ông khóc?” Và chúng tôi là những người bạn cũng không thể hiểu được. Ông
từng dạy rằng chìa khóa để mở mọi cánh cửa là cái tâm không dính chấp, không
quyến luyến. Tại sao ông lại lưu luyến người thầy của mình?
Lâm Tế Nghĩa
Huyền trả lời:
- Câu hỏi của
các người logic. Nhưng mà tôi biết làm sao được? Nước mắt bỗng nhiên trào ra và
tôi khóc. Với chính mình thì việc tôi khóc cũng là một phát hiện. Tôi cũng cảm
thấy ngạc nhiên. Nhưng tôi biết làm sao được? Cuộc sống biểu lộ trong con người
tôi và tôi không thể đè nén mà tôi tiếp nhận nó.
Lâm Tế Nghĩa
Huyền
Nếu như cái chết
là kỳ quái thì nghĩa là cả cuộc đời bạn đã phí hoài. Cái chết phải là một sự
tiếp nhận thanh thản, một sự thỏa mãn đi vào hư không, một sự vĩnh biệt hài
lòng với người thân, bè bạn, với thế giới cũ. Trong cái chết không nên có một
sự bi đát nào.
Ngày thiền sư
Lâm Tế Nghĩa Huyền lâm chung, hàng nghìn học trò đến để nghe những lời thuyết
pháp cuối cùng nhưng thiền sư chỉ nằm, vẻ mặt rất vui nhưng không nói một lời
nào. Một người bạn của ông nói:
- Nghĩa Huyền,
chẳng lẽ anh quên là cần nói vài lời cuối à? Tôi vẫn thường nói là trí nhớ của
anh đã kém. Anh chuẩn bị đi, anh quên à?
Thiền sư Lâm Tế
Nghĩa Huyền nói:
- Hãy nghe đây.
Lúc này có hai
con sóc đuổi nhau, chạy sột soạt trên mái nhà và ông nói:
- Chao ôi đẹp
quá, – rồi chết.
Trong cái khoảnh
khắc ông nói rằng: “Hãy nghe đây”, có một sự im lặng tuyệt đối. Tất cả nghĩ rằng
ông sẽ nói những điều gì đấy ghê gớm lắm, nhưng chỉ có hai con sóc đuổi nhau,
chạy sột soạt trên mái nhà… thì ông đã mỉm cười rồi chết. Nhưng ông đã để lại
lời nhắn gởi cuối cùng: đừng biến sự vật thành nhỏ và lớn, bình thường và quan
trọng. Tất cả đều quan trọng. Và trong cái khoảnh khắc ấy, đối với ông, cái
chết cũng quan trọng như là hai con sóc đang đuổi nhau trên mái nhà vậy, không
có gì khác nhau. Trong sự tồn tại mọi thứ đều tương đồng. Đấy chính là triết
học của ông, là học thuyết của cuộc đời ông – không có gì vĩ đại và không có gì
nhỏ bé, tất cả phụ thuộc vào chính mình, anh sẽ làm gì với nó.
Say rượu
Ngày xưa ở Ai
Cập có một vị tu sĩ sống trong sa mạc. Trong sa mạc này có một con quỉ luôn tìm
mọi cách cám dỗ, cản trở bước đường tu của ông. Một hôm quỉ nói với tu sĩ rằng
nếu ông thực hiện một trong ba điều lầm lỗi thì quỉ sẽ từ bỏ ông, ông sẽ được
tự do theo đuổi bước đường tu mà không còn ai cản trở. Ba điều lầm lỗi đó là:
giết người, phóng đãng và say rượu.
- Chỉ cần một
lần – quỉ nói – và ngươi sẽ yên ổn suốt đời.
Vị tu sĩ nghĩ
thầm: “Giết người – đấy là điều khủng khiếp, đấy là cái ác lớn nhất và sẽ bị
trừng phạt theo giáo luật cũng như luật dân sự của đời. Hủ hóa – là điều xấu
hổ, nhơ nhuốc, làm bẩn thân xác mà bấy lâu ta vẫn lo giữ gìn cho thanh sạch.
Say rượu một lần – đấy là lỗi lầm bé nhất vì rằng con người ta sẽ tỉnh lại sau
khi say. Ta sẽ chọn làm điều này để được yêu thân lâu dài trên sa mạc”.
Thế là vị tu sĩ
chọn một vài thứ đồ có thể bán được rồi đến một thành phố gần nhất bán lấy tiền
và đi vào quán. Theo sự sắp xếp của quỉ, có một người phụ nữ xinh đẹp và lẳng
lơ ghé đến trò chuyện với tu sĩ. Khi đã ngà say, tu sĩ đi theo người phụ nữ này
và làm cái điều lầm lỗi với người phụ nữ. Chồng của người này đi đâu đó bỗng
quay trở về bắt gặp đã xông vào đánh tu sĩ nhưng tu sĩ trong cơn say, bằng một
cú đấm chết người đã giết chết người đàn ông nọ.
Như vậy, vị tu
sĩ đã thực hiện cả ba điều lầm lỗi: hủ hóa và giết người, hai tội lỗi này xuất
phát từ say rượu. Đấy là những điều mà khi tỉnh táo ông tìm mọi cách tránh
nhưng chỉ trong cơn say, bao nhiêu cố gắng trong nhiều năm đeo đuổi đã trở về
con số không.
Đi đâu đấy
Ngày xưa ở nước
Nhật có hai ngôi đền ở gần nhau nhưng thù nghịch với nhau như mọi ngôi đền khác
ở mọi thời đại. Những tu sĩ thậm chí không nhìn mặt nhau và trong một thời gian
lâu hàng thế kỷ, không bao giờ họ nói chuyện với nhau.
Mỗi vị tu sĩ có
một thằng bé để giúp việc và tất cả người lớn đều sợ rằng những đứa bé có thể
kết bạn với nhau. Một nhà sư dặn thằng bé của mình:
- Con nhớ là
không bao giờ chuyện trò gì với những thằng bé của đền bên đấy nhé. Họ là những
kẻ đầy nguy hiểm, hãy tránh xa họ như bệnh dịch.
Thằng bé nghe
nói vậy lại cảm thấy thích… bởi vì nó đã mệt vì phải nghe quá nhiều những lời
thuyết giáo mà nó không hiểu được. Không có ai để có thể chơi đùa hay trò
chuyện gì cả. Khi nghe câu: “Con nhớ là không bao giờ chuyện trò gì với những
thằng bé của đền bên đấy nhé” thì trong lòng nó trỗi dậy một sự cám dỗ. Ngày
hôm sau, nhìn thấy đứa bé của đền bên đi ngoài đường, nó liền hỏi:
- Đi đâu đấy?
Đứa bé kia vốn
thích triết lý, nghe câu hỏi như thế, nó trả lời:
- Đi đâu ư?
Không ai đi đâu mà cũng chẳng ai về đâu. Ngọn gió đưa đi đâu, ta đi đó…
Nó từng nghe
thầy của mình nói rằng Đức Phật sống như chiếc lá khô và ngài đi theo cơn gió
thổi. Thế là nó cũng nói:
- Ta là chiếc lá
khô. Gió thổi ta về đâu, ta đến đó…
Thằng bé bên này
nghe thấy vậy thì không biết nói gì thêm. Nó nghĩ bụng: “Thầy của ta quả đúng.
Thầy cấm ta nói chuyện với những người này – họ quả là nguy hiểm. Ta hỏi nó:
“đi đây đấy?”, thực ra là ta đã biết nó đi đâu rồi, bởi vì cả hai thằng hằng
ngày vẫn đi ra chợ mua rau. Chỉ cần một câu trả lời đơn giản, thế mà”.
Thằng bé quay
trở về nói với thầy của mình:
- Con xin lỗi
thầy. Thầy đã cấm nhưng con đã không nghe thầy. Vì điều cấm mà con bị cám dỗ.
Lần đầu tiên con nói chuyện với một con người nguy hiểm. Con chỉ hỏi nó một câu
đơn giản là: “Đi đâu đấy?” thế mà nó nói nghe rất lạ lùng: “Không ai đi đâu,
chẳng ai về đâu… Ta là chiếc lá… Gió đưa đi đâu, ta đi đó…”
Thầy nói:
- Ta đã dặn con
rồi. Nhưng thôi được, ngày mai con lại ra đấy đợi nó, lại hỏi nó: “Đi đâu đấy?”
và khi nó lại nói như vậy thì con hãy bảo nó: “Ừ, thì ngươi là chiếc lá khô,
cũng như ta đây. Nhưng khi không có gió thì ngươi biết đi đâu?” phải làm cho nó
bối rối, phải chiến thắng nó. Ngày mai ta phải chiến thắng nó!
Sáng hôm sau
thằng bé thức dậy và nhắc đi nhắc lại câu trả lời trước khi ra đường. Khi nhìn
thấy đứa bé của đền bên, nó liền hỏi:
- Đi đâu đấy?
Nhưng đứa bé đền
bên nói:
- Bàn chân đưa đi
đâu, ta đi đấy…
Không nhắc gì
đến gió, không nhắc gì đến chiếc lá… biết làm sao bây giờ? Câu trả lời mà nó
học thuộc lòng giờ trở thành vô nghĩa. Một lần nữa đành chịu thua và nó lại
quay về kể với thầy những gì xảy ra. Thầy bảo:
- Ta đã nói rồi,
chúng nó là những con người nguy hiểm, ta biết điều này bằng kinh nghiệm đã bao
đời. Nhưng mà không được bó tay. Ngày mai con lại tiếp tục hỏi nó: “Đi đâu
đấy?” và khi nó trả lời: “Bàn chân đưa đi đâu, ta đi đó” thì hãy nói với nó:
“Thế nếu không có chân thì sao?” Phải làm cho nó im lặng.
Hôm sau, thằng
bé lại hỏi:
- Đi đâu đấy? –
và đợi câu trả lời.
Đứa bé kia nói:
- Ta đi ra chợ
mua rau.
Con người ta
thường hành động theo kinh nghiệm từ quá khứ, mà cuộc sống thì cứ tiếp tục đổi
thay. Cuộc sống không có những tình huống tương đồng với kết luận của bạn. Bởi
thế mà cuộc sống thường làm cho những người đầy kinh nghiệm nhiều khi luống
cuống. Vẫn có những câu trả lời định sẵn trong Kinh Vệ Đà, Kinh Phật, Kinh
Thánh, Kinh Koran… Tuy nhiên, cuộc sống không bao giờ đi hỏi một câu hỏi đến
hai lần.
Số phận giữ
chúng ta ở trong tay
Oda Nobunaga là
một lãnh chúa, một vị tướng tài danh trong thời kỳ Chiến Quốc của lịch sự Nhật
Bản. Ông là người có công lớn trong việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt thời kỳ
chiến lọan kéo dài trên khắp nước Nhật.
Một lần Nobunaga
quyết định tấn công địch, mặc dù số lượng quân địch đông gấp cả chục lần.
Nobunaga tin rằng sẽ thắng nhưng quân lính của ông nghi ngờ. Trên đường hành
quân ông dừng lại ở một ngôi đền Shinto và nói với quân lính:
- Sau khi cầu
nguyện xong ta sẽ ném một đồng xu. Nếu mặt ngửa là đại bàng thì chúng ta sẽ
thắng. Số phận giữ chúng ta ở trong tay.
Nobunaga đi vào
đền cầu nguyện trong im lặng. Sau đó ông bước ra và tung một đồng xu: mặt ngửa
là con đại bàng. Quân lính của ông vững tin xông vào trận đánh và họ đã chiến
thắng.
Sau trận đánh,
một vị tướng nói với Nobunaga:
- Không ai có
thể thay đổi được số phận.
- Tất nhiên là
không thể - Nobunaga vừa trả lời vừa cho vị tướng nọ xem đồng xu ở hai phía đều
là đại bàng.
Chàng tiều
phu và ông tiên
Ngày xưa có
chàng tiều phu quanh năm đốn củi bên bờ suối. Một hôm chàng sơ ý để rơi chiếc
búa chặt củi của mình xuống vực sâu. Đang ngồi ôm mặt khóc nỉ non thì có một
ông tiên hiện ra và hỏi chàng:
- Tại vì sao con
khóc?
- Chiếc búa chặt
củi của con bị rơi xuống vực, con không biết lấy gì để chặt củi kiếm tiền nuôi
vợ nuôi con.
Thế là ông tiên
lấy từ dưới vực lên một chiếc búa chặt củi bằng vàng.
- Đây là chiếc
búa của con phải không?
- Dạ thưa, không
phải ạ - chàng tiều phu trả lời.
Ông tiên lại lấy
lên một chiếc búa bằng bạc và hỏi:
- Thế chiếc búa
này có phải của con không?
- Cũng không
phải ạ.
Cuối cùng ông
tiên lấy lên từ dưới vực sâu một chiếc búa bằng sắt.
- Dạ đúng ạ, đây
là chiếc búa của con – chàng tiều phu mừng rỡ trả lời.
- Ta thấy con là
người trung thực – ông tiên nói – con cứ giữ lại cả ba chiếc búa cho mình.
Từ dạo đấy cuộc
sống của chàng tiều phu trở nên khá hơn trước nhưng một hôm cả hai vợ chồng đốn
củi, thật không may, vợ của chàng bị rơi xuống vực sâu. Chàng tiều phu lại chỉ
biết ngồi khóc nỉ non. Ông tiên lại hiện lên hỏi:
- Tại vì sao con
khóc?
- Vợ con bị rơi
xuống vực, con thật là bất hạnh!
Thế rồi ông tiên
vớt lên một cô gái đẹp như tiên sa.
- Đây có phải là
vợ của con không?
- Vâng ạ, đây là
vợ của con – chàng tiều phu sung sướng trả lời.
- Con nói dối
ta, tại vì sao lại như vậy?
- Dạ, có một
chút ngộ nhận – chàng tiều phu trả lời. Nhưng giá như con nói rằng đây không
phải là vợ của con thì ông lại đưa cho con một cô gái xinh đẹp khác rồi con lại
cũng trả lời không phải là vợ của con. Thế rồi ông vớt lên vợ của con và con sẽ
trả lời đúng là vợ của mình. Khi đó ông cũng lại sẽ cho con lấy cả ba người thì
con không biết sẽ làm gì với họ. Con không thể đốn củi kiếm tiền nuôi nổi cả ba
người. Và như thế, cả bốn chúng con đều bất hạnh.
Kết luận rút ra
từ câu chuyện trên: khi đàn ông nói dối thì họ vẫn nói dối rất đàng hoàng và có
lợi cho tất cả!
Chiếc bình
đầy
Vị giáo sư triết
học đứng trên giảng đường cầm trong tay một chiếc bình to và trong suốt. Sau đó
ông lấy những viên đá to bằng nửa nắm tay xếp đầy vào chiếc bình này rồi hỏi
các sinh viên: “Bình đầy hay không?” Các sinh viên liền trả lời rằng: bình đầy.
Tiếp theo đấy vị
giáo sư lấy một túi đậu đen đổ vào chiếc bình kia rồi lắc qua lắc lại. Những
hạt đậu chui vào những khe hở giữa những viên đá. Giáo sư tiếp tục hỏi sinh
viên: “Bình đầy hay không?” Các sinh viên lại trả lời rằng: bình đầy.
Khi đó giáo sư
lấy những hạt cát nhỏ tiếp tục cho vào bình và tất nhiên, những hạt cát đã lấp
kín chiếc bình. Giáo sư tiếp tục hỏi sinh viên: “Bình đầy hay không?” Và các
sinh viên lại trả lời rằng: bình đầy.
Vị giáo sư lấy
một cốc nước rót vào bình cho đến giọt cuối cùng. Những sinh viên của ông cười
ầm lên. Vị giáo sư nói:
- Tôi muốn cho
các em hiểu rằng: chiếc bình – đó là cuộc đời của các em. Những viên đá – đấy
là những thứ quan trọng nhất của cuộc đời: là sức khỏe, gia đình, bạn bè, con
cái – là những thứ cần thiết để cho cuộc đời của các em vẫn đầy ngay cả khi
những thứ còn lại đều đã đánh mất. Những hạt đậu – đấy là những thứ quan trọng
đối với các em: đó là công việc, là nhà, xe… Những hạt cát – là những thứ còn
lại, những thứ vặt vãnh.
Nếu đầu tiên các
em đem cát đổ đầy bình thì sẽ không còn chỗ cho những hạt đậu và những viên đá.
Trong cuộc đời cũng vậy, nếu các em dùng tất cả thời gian và sức lực cho những
thứ vặt vãnh thì sẽ không chỗ cho những thứ quan trọng. Các em hãy làm những gì
mang lại cho các em hạnh phúc: chăm sóc vợ con, gặp gỡ bạn bè. Vẫn còn thời
gian cho công việc, sửa nhà, rửa xe… Trước hết hãy lo những viên đá, nghĩa là
những thứ quan trọng nhất, xác định những ưu tiên trong cuộc đời, còn tất cả
những thứ còn lại – chỉ là những hạt cát.
Một sinh viên
giơ tay hỏi rằng: thế ý nghĩa của nước là gì? Vị giáo sư mỉm cười:
- Em hỏi câu này
rất hay. Thầy đã đổ vào bình một cốc nước là muốn chứng minh cho các em thấy
rằng cho dù cuộc đời của các em có bận bịu đến đâu, đầy ắp đến đâu thì vẫn luôn
còn chỗ để mà thư giãn.
Cây thập ác
của con
Ngày xửa ngày
xưa có một người đàn ông nhận thấy rằng số phận của mình thật quá nặng nề.
Người này hỏi Chúa Trời:
– Chúa ơi, cây
thập ác của con quá nặng, con không vác nổi. Thập ác của những người mà con
biết quả là nhẹ nhàng hơn. Xin Ngài đổi cho con cái khác nhẹ hơn được không?
Đức Chúa Trời
trả lời:
– Được, con cứ
việc đến kho thập ác của ta chọn lấy cái nào mà con thích.
Người đàn ông
đến kho thập ác để lựa chọn: chọn đi chọn lại vẫn chưa thấy cái nào vừa ý, cái
nào cũng có vẻ quá nặng. Sau khi đã thử hết tất cả, người đàn ông bỗng để ý
thấy ở cửa ra vào có cây thập ác trông có vẻ nhẹ hơn nhiều và hỏi Chúa Trời:
– Ngài cho con
chọn cái này nhé.
– Chúa Trời nói:
Thì đấy là cây
thập ác của con đấy, con đã để nó ở phía ngoài cửa trước khi vào thử những cái
khác trong kho.
Giai thoại về
vua David
Khi vua David
cảm thấy mình đã đến ngày gần đất xa trời, ông cho gọi con trai mình – nhà vua
tương lai Solomon đến.
- Con đã đi rất
nhiều nơi, đã gặp rất nhiều người – vua David nói. – Con có suy nghĩ gì về thế
giới này?
- Tất cả những
nơi mà con đến – Solomon trả lời – con chỉ thấy sự bất công, sự ngu ngốc và cái
ác ngự trị. Tại vì sao thế giới này lại sinh ra như vậy, nhưng mà con rất muốn
thay đổi nó.
- Tốt. thế con
có biết phải làm như thế nào không?
- Thưa cha,
không ạ.
- Thế thì con
hãy nghe đây.
Và vua David kể
cho con trai – vị vua tương lai nghe một câu chuyện.
Ngày xửa ngày
xưa, thuở khai thiên lập địa, trên trái đất này chỉ có một dân tộc. Cai trị dân
tộc này là một vị hoàng đế mà tên ông đã bị lãng quên theo thời gian. Vị hoàng
đế có bốn người con, tên tuổi của họ cũng đã không còn. Trước khi chết, vị
hoàng đế cho gọi cả bốn người con và dặn họ hãy mang đến cho con người sự Công
Bằng, sự Khôn Ngoan, Hạnh Phúc và Cái Tốt.
Rồi ông giải
thích.
Sự Bất Công sinh
ra là do con người ta đối xử với thế giới một cách thiên vị. Để có Công Bằng,
con người phải tránh xa dục vọng quyền lực và xử sự mình có vẻ như thế giới này
tồn tại độc lập với anh ta. “Thế giới tồn tại, còn tôi không tồn tại” – đấy là
nguyên tắc của một người công bằng.
Sự Ngu Ngốc sinh
ra là do con người xét đoán thế giới rộng lớn và đa dạng chỉ theo hiểu biết của
mình. Con người không thể nào tát cạn đại dương, cũng như không thể nào nhận
thức hết được cả thế giới. Nâng cao kiến thức của mình, con người chỉ đi từ sự
ngu ngốc nhiều hơn đến sự ngu ngốc ít hơn. Bởi thế, người khôn ngoan là người
đi tìm chân lý không phải ở bên ngoài mà trong chính bản thân mình. “Tôi tồn
tại mà thế giới không tồn tại” – là nguyên tắc của một người khôn ngoan.
Cái Ác xuất hiện
khi con người một mình đối chọi lại cả thế giới. Khi vì những mục đích của
mình, con người can thiệp vào quá trình tự nhiên của sự vật, bắt tất cả phải
theo ý mình. Con người càng tỏ ra quyết tâm cai trị cả thế giới thì thế giới
càng quyết liệt chống trả lại, vì rằng cái các sẽ sinh ra cái ác. “Thế giới tồn
tại và tôi tồn tại. Tôi hòa nhập vào thế giới này” – đấy là nguyên tắc của
những ai muốn làm điều tốt.
Và cuối cùng,
con người cảm thấy Bất Hạnh là người cảm thấy thiếu thốn nhiều thứ. Sự thiếu
thốn này càng lớn thì càng cảm thấy bất hạnh. Mà bởi vì con người luôn thiếu
một cái gì đó nên để thỏa mãn sự ước muốn, con người chỉ đi từ sự bất hạnh lớn
hơn đến sự bất hạnh nhỏ hơn. Người hạnh phúc là người có trong mình cả thế
giới, cảm thấy mình đầy đủ. “Thế giới tồn tại và tôi tồn tại. Cả thế giới ở
trong tôi” – đấy là nguyên tắc của Hạnh Phúc.
Và như vậy, vị
hoàng đế đã truyền lại những nguyên tắc của Công Bằng, Khôn Ngoan, Cái Tốt và
Hạnh Phúc cho những đứa con của mình rồi chết. Sau đó, những đứa con cảm thấy
những nguyên tắc này trái ngược với nhau nên họ quyết định hành động theo cách
của mình. Họ đem chia toàn dân ra bốn phần bằng nhau rồi mỗi người cai trị một
phần. Người thứ nhất mang lại cho nhân dân mình sự Công Bằng, người thứ hai –
sự Khôn Ngoan, người thứ ba – Cái Tốt, người thứ tư – Hạnh Phúc. Kết cục là
trên trái đất có các dân tộc: Công Bằng, Khôn Ngoan, Tốt và Hạnh Phúc.
Theo thời gian,
các dân tộc này giao lưu với nhau. Những người Công Bằng hiểu rất rõ thế nào là
công bằng nhưng không thể biết thế nào là khôn ngoan, thế nào là tốt và thế nào
là hạnh phúc. Bởi thế, những người Công Bằng đã gây ra sự ngu ngốc, cái ác và
bất hạnh. Những người Khôn Ngoan gây ra sự bất công, cái ác và bất hạnh. Những
người Tốt gây ra sự bất công, sự ngu ngốc và bất hạnh. Còn những người Hạnh
Phúc gây ra sự bất công, sự ngu ngốc và cái ác. Và vua David kết thúc câu
chuyện ở đây.
- Bởi thế mà con
cảm thấy thế giới này xấu xa và ghê tởm.
- Vâng, con hiểu
tất cả – Solomon trả lời – cần phải dạy cho mọi người cùng một lúc cả Công
Bằng, Hạnh Phúc, Lòng Tốt và Khôn Ngoan. Con sẽ sửa những sai lầm của tiền
nhân.
- Tốt, nhưng con
nên hiểu rằng thế giới đã thay đổi. Sự bất công, cái ác và bất hạnh đã hòa trộn
vào giữa những con người. Và chúng sinh ra nỗi sợ hãi. Để chống lại những cái
xấu này, trước hết phải thắng được nỗi sợ hãi.
- Thế cha hãy
giải thích cho con phải đấu tranh với nó như thế nào.
- Nỗi sợ hãi
cũng rất khác nhau. Nhưng công thức chung của nó thế này: khi vui sướng người
ta sợ cái chết, còn khi đau khổ người ta sợ bất tử. Và chỉ những ai biết được
cái giá của vui sướng lẫn đau buồn thì sẽ không sợ gì cái chết cũng như bất tử.
Hai người
trong ống khói
Thập niên 20 thế
kỷ XX ở New York có một chàng trai trẻ tìm đến một giáo sĩ đạo Do Thái và nói
rằng chàng muốn tìm hiểu về kinh Talmud.
- Con biết tiếng
Aramaic không?
- Không ạ.
- Thế tiếng
Hebrew?
- Không ạ.
- Thế hồi nhỏ đã
học Torah chưa?
- Dạ chưa. Nhưng
thầy yên tâm. Con đã tốt nghiệp khoa triết Đại học Berkeley và đã bảo vệ luận
án về logic của triết học Socrates. Nhưng bây giờ con muốn bổ túc phần còn
thiếu trong kiến thức của mình nên con muốn tìm hiểu thêm về kinh Talmud.
- Con chưa sẵn
sàng để học Talmud đâu – giáo sĩ nói – đấy là quyển sách sâu sắc nhất trong số
những gì do con người viết ra. Nhưng nếu con cứ năn nỉ thì ta sẽ kiểm tra logic
của con, nếu được thì ta đồng ý dạy con.
Chàng trai trẻ
đồng ý và giáo sĩ bắt đầu.
- Hai người đi
trong một đường ống dẫn khói. Một người bước ra với gương mặt sạch còn người
kia – mặt dính đầy nhọ. Ai trong số họ sẽ đi rửa mặt?
Chàng trai trẻ
ngạc nhiên.
- Đây là câu
kiểm tra logic ư?!
Vị giáo sĩ gật
đầu.
- Tất nhiên là
người mặt dính đầy nhọ sẽ đi rửa mặt.
- Không đúng.
Con hãy nghĩ cho thật logic mà xem: người mặt dính đầy nhọ sẽ nhìn vào người có
khuôn mặt sạch và nghĩ rằng mặt của mình cũng sạch như thế. Còn người mặt sạch
nhìn sang người mặt dính đầy nhọ sẽ nghĩ rằng mặt của mình cũng thế nên vội
vàng đi rửa mặt.
- Láu cá thật!
Chàng trai tỏ vẻ khâm phục và đề nghị một câu kiểm tra nữa.
- Được thôi. Hai
người đi trong một đường ống dẫn khói. Một người bước ra với gương mặt sạch còn
người kia – mặt dính đầy nhọ. Ai trong số họ sẽ đi rửa mặt?
- Thì vừa trả
xong đấy thôi ạ - người có gương mặt sạch.
- Không đúng. Cả
hai người đều đi rửa mặt. Con hãy nghĩ xem: người mặt sạch sẽ nhìn sang người
mặt bẩn và nghĩ rằng mặt của mình cũng bẩn. Còn người mặt bẩn thấy người kia đi
rửa mặt thì sẽ hiểu rằng mặt của mình bẩn nên cũng đi rửa mặt.
- Thế mà con
không nghĩ đến! Quả thật con đã sai về logic. Hãy ra cho con một câu kiểm tra
nữa đi ạ.
- Nhất trí thôi.
Hai người đi trong một đường ống dẫn khói. Một người bước ra với gương mặt sạch
còn người kia – mặt dính đầy nhọ. Ai trong số họ sẽ đi rửa mặt?
- Thì… Cả hai
người cùng đi rửa mặt.
- Không đúng.
Không ai đi rửa mặt cả. Con hãy nghĩ cho thật logic xem: người mặt bẩn nhìn
sang người mặt sạch và không đi rửa mặt. Còn người mặt sạch thấy người mặt bẩn
không đi rửa mặt sẽ hiểu rằng mặt của mình sạch nên không đi rửa mặt.
Chàng trai cảm
thấy thất vọng hoàn toàn.
- Nhưng mà con
có thể học Talmud được. Thầy hãy hỏi con điều gì khác đi.
- Thôi được. Hai
người đi trong một đường ống dẫn khói. Một người bước ra với gương mặt sạch còn
người kia – mặt dính đầy nhọ. Ai trong số họ sẽ đi rửa mặt?
- Ôi, lạy Chúa!
Không ai đi rửa mặt cả!!!
- Không đúng.
Bây giờ thì con đã hiểu rằng kiến thức logic của triết học Socrates còn chưa đủ
để mà học kinh Talmud. Con hãy nghĩ lại mà xem: làm gì có chuyện hai người cùng
đi trong một đường ống dẫn khói ấy mà một người dính đầy nhọ còn người kia thì
không?! Bởi vì đây là một câu hỏi vô nghĩa ngay từ đầu, nếu con mất thời gian
để đi trả lời những câu hỏi vô nghĩa thì toàn bộ câu trả lời của con sẽ là vô
nghĩa vậy.
Truyền thống Do
Thái không phủ nhận tư duy trìu tượng về nguyên tắc. Các nhà thông thái có gắng
dự tính tất cả mọi tình huống đã được kinh Talmud xem xét đến, đôi khi những
tình huống này có ít khả năng xảy ra. Nhưng tự thân vấn đề đem ra nghiên cứu
phải có ý nghĩa cụ thể và điểm tựa vững vàng trong đời sống thực tế.
Tất cả đều là
Tương đối
Xem xét một số
tư tưởng, học thuyết nổi tiếng nhất của những vĩ nhân người Do Thái chúng ta
thấy: Moses nói rằng tất cả là Đức Chúa Trời. Giê-su Christ nói rằng tất cả là
Tình yêu. Sigmund Freud khẳng định tất cả là Tình dục. Karl Marx cho rằng tất
cả là Lao động. Còn Albert Einstein thì đưa ra học thuyết nói rằng tất cả đều
là Tương đối.
Đàn ông và
đàn bà
Khi Chúa Trời
tạo ra đàn ông và đàn bà, Ngài cho họ ở chung trong một nhà. Đàn ông và đàn bà
có sức lực như nhau, mỗi khi có xích mích dẫn đến đánh nhau thì không bên nào
thắng cả.
Một hôm đàn ông
quyết định khiếu nại với Chúa Trời về việc này.
- Thưa Ngài, xin
Ngài hãy giúp con mà chỉ có Ngài làm được. Hãy cho con xin thêm một ít sức lực
để con có thể thắng được đàn bà, để duy trì trật tự ở cõi trần gian vốn không
ai chịu nghe ai cả.
- Được thôi –
Chúa Trời trả lời – từ nay ngươi sẽ mạnh hơn đàn bà.
Đàn ông quay trở
về hạ giới, vừa đến ngõ đàn ông đã kêu lên:
- Từ nay ta sẽ
là người chủ. Chúa Trời đã thêm cho ta sức mạnh nên từ nay em phải nghe lời ta!
Đàn bà đầu tiên
không chịu nghe. Họ đánh nhau một lần, hai lần, ba lần và cả ba lần đàn bà đều
chịu thua. Đàn ông cảm thấy vô cùng hãnh diện. Nhưng đàn bà vô cùng tức giận đã
đến khiếu nại với Chúa Trời.
- Thưa Ngài, con
xin Ngài cho con thêm sức lực. Chỉ một ít thôi cũng được.
- Con đã nhận
hết tất cả rồi – Chúa Trời trả lời – cơ thể của con chỉ đến vậy. Còn đàn ông
thì ta đã cho thêm rồi.
- Sao lại thế ạ?
Bây giờ con lúc nào cũng thua nó, trước đây đâu có thế. Con van Ngài, hãy cho
con thêm sức lực hoặc hãy bớt đi sức lực của đàn ông.
- Ta đã đem cho
thì không lấy lại bao giờ. Con đành phải chấp nhận điều này.
Đàn bà giận dỗi
quay trở về. Giữa đường đàn bà gặp một con quỉ và kể cho quỉ nghe nỗi bất hạnh
của mình.
- Nàng hãy nghe
lời ta – con quỉ khuyên đàn bà – nàng hãy quay trở lại xin Chúa Trời chùm chìa
khóa treo trên cánh cửa và đến đây ta sẽ bày cho cách sử dụng.
Đàn bà nghe lời
quỉ sứ và quay trở lại:
- Đàn bà – Chúa
trời đã hơi nổi giận khi thấy đàn bà quay trở lại – con còn cần gì nữa?
- Thưa Ngài, cho
con xin chùm chìa khóa treo trên cánh cửa kia đi ạ!
- Thì lấy đi và
đừng làm phiền ta lần nữa nhé!
Đàn bà lấy chùm
chìa khóa và vội vàng chạy đi tìm quỉ sứ.
- Chùm chìa khóa
này có ba chiếc – quỉ sứ nói – nếu biết cách sử dụng thì chúng sẽ mang lại cho
nàng quyền lực và sức mạnh còn nhiều hơn của đàn ông. Chìa thứ nhất nàng hãy
dùng để khóa bếp. Đàn ông làm gì cũng nghĩ đến ăn trước hết. Chìa thứ hai –
dùng để khóa phòng ngủ. Đàn ông sẽ không hài lòng nếu không cho nó vào phòng
ngủ. Chìa thứ ba – dùng để khóa phòng ru con nhỏ. Đàn ông yêu và thích chơi với
con trẻ. Nàng hãy nhớ là chưa mở cửa một khi đàn ông chưa biết cách sử dụng sức
mạnh của nó theo sự chỉ bảo của nàng.
Đàn bà vội chạy
về nhà làm theo những lời mà quỉ sứ đã dặn.
Khi đàn ông biết
rằng những cánh cửa trước đây thường xuyên mở toang giờ đã bị khóa lại thì đàn
ông nổi giận. Đàn ông dùng sức mạnh để phá nhưng không phá nổi, đành kêu lên:
- Ai khóa cửa
lại hả đàn bà? Chìa khóa ở đâu ra?
- Chúa Trời trao
cho đấy.
Nghe thấy vậy,
đàn ông vội vàng chạy lên kêu với Chúa Trời.
- Thưa Ngài, đàn
bà khóa cửa phòng ăn, phòng ngủ, phòng ru con nhỏ mà không cho con vào. Đàn bà
nói rằng Ngài đã trao chìa khóa cho nó.
- Đúng thế, đàn
bà hỏi xin chìa khóa của ta và quỉ sứ bày cho nó cách sử dụng.
- Vậy thì Ngài
cũng cho con xin ba chiếc chìa khóa để mở.
- Ta không thể
làm cho ngươi điều này – Chúa Trời nói với người đàn ông – ta đã cho đàn bà và
cứ để cho nó giữ chìa khóa. Ngươi cần phải hỏi đàn bà để nó mở cửa cho ngươi.
Đàn ông đành
quay trở về. Sau đó đàn ông nài nỉ đàn bà, làm theo những yêu cầu của nó để
được mở cửa.
Một hôm đàn ông
gạ gẫm:
- Ta và em sẽ
chia đôi với nhau. Em chia cho ta một nửa chìa khóa và ta sẽ chia cho em một
nửa sức lực.
- Em cần phải
suy nghĩ – đàn bà trả lời. Sau đó đàn bà ngồi và suy nghĩ. Ngay lúc đó, quỉ sứ
ngó nhìn qua cửa sổ.
- Không bao giờ
đồng ý – con quỉ thì thầm – cứ việc để sức lực cho đàn ông, còn nàng phải là
người giữ chìa khóa.
Và đàn bà đã
nghe theo lời quỉ sứ. Và giao ước đã không xảy ra.
Kể từ ngày đó
cho đến bây giờ đàn ông đành phải kiềm chế sức lực của mình nếu muốn chung sống
với đàn bà. Và chính vì thế mà đàn ông luôn nhường nhịn còn đàn bà luôn giữ ý
kiến của mình.
Lời khuyên
Một cô gái trẻ
hỏi nhà thông thái để xin một lời khuyên:
– Có hai người
đều rất yêu con. Nhưng con không biết phải xử sự thế nào, bởi vì con tim thì
nói chọn người này, còn lý trí lại nói – người kia.
– Con hãy lựa
chọn theo sự mách bảo của con tim. Vì rằng, dù rồi đây nếu phải chia tay nhau
thì con cũng có thể tự hào mà nói rằng “Ta đã từng yêu người ấy”, còn hơn là
thất vọng khi nói “Ta là một con ngốc”.
Sự khác nhau
Một hôm có người
phụ nữ hỏi một nhà thông thái:
– Tại vì sao một
người đàn ông có nhiều người phụ nữ thì được người đời coi như một anh hùng,
thế nhưng, một người phụ nữ mà có nhiều đàn ông thì người đời lại coi cô ta như
một con đĩ?
Nhà thông thái
trả lời:
– Là bởi vì một
chìa khóa mà mở được nhiều ổ khóa thì là một chìa khóa tốt, còn một ổ khóa mà
chìa nào cũng mở được thì là một ổ khóa tồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét