Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Giai thoại hay nhất - P. 6


Người kị sĩ và con rắn 

“Sự tàn nhẫn” của người hiểu biết
còn hay hơn “lòng tốt” của kẻ ngu đần.

Một kị sĩ cưỡi ngựa đi trên đường. Từ xa kị sĩ đã nhìn thấy con rắn chui vào miệng của một người đàn ông đang ngủ nhưng há hốc miệng. Kị sĩ hiểu rằng nếu người đàn ông ngủ tiếp như vậy thì có thể chết vì nọc rắn. Cho ngựa đến gần, kị sĩ nhảy xuống dùng roi da quất vào người đàn ông đang ngủ làm cho người này vô cùng kinh hãi. Không kịp để cho người đàn ông kịp nhớ điều gì xảy ra, kị sĩ lôi người đàn ông đến gốc cây táo, dưới cây này có nhiều quả táo sâu rụng xuống và bắt người đàn ông ăn những quả táo sâu. Sau đó lôi người này ra hồ nước và bắt uống nước thật nhiều. Người đàn ông sợ hãi kêu lên:
– Anh làm tình làm tội tôi vì điều gì, tôi có làm gì anh đâu?
Nhưng kị sĩ chỉ im lặng và càng tỏ ra tàn nhẫn hơn, hành hạ người đàn ông suốt buổi. Cuối cùng người này ngã vật xuống đất nôn oẹ ra táo, nước cùng với con rắn. Chỉ khi đó người đàn ông được cứu mới hiểu ra sự nguy hiểm và nói với kị sĩ:
– Giá mà anh giải thích cho tôi từ đầu thì tôi đã vui lòng làm theo lời anh.
– Nếu tao nói với mày từ đầu thì mày đã không tin, hoặc mày sợ hãi rồi bỏ chạy, hoặc sẽ mặc kệ đời, ngủ tiếp.
Nói xong, kị sĩ nhảy lên ngựa phóng đi.


Bài học đắt giá

Giám đốc công ty cho gọi một nhân viên lên gặp mình. Người này tuần trước đã thực hiện một hợp đồng gây thiệt hại cho công ty hơn 100 triệu đồng. Mặc dù ngay sau đấy nhân viên này hiểu ra nhưng đã muộn.
Chàng trai cảm thấy khuyết điểm của mình, không đợi giám đốc hỏi, đã nói trước:
– Thưa anh, em xin nhận khuyết điểm của mình và tiếp nhận quyết định đuổi việc của công ty.
– Đuổi việc ư? Công ty đã tốn hơn 100 triệu để cho anh học. Chúng tôi không thể cho những nhân viên quí giá như vậy ra đi. Anh hãy trở về làm việc!


Ai quan trọng nhất?

Một lần, tất cả các bộ phận trong cơ thể người tranh luận với nhau về chuyện ai trong số họ là bộ phận quan trọng nhất.
– Ta là quan trọng nhất – tất cả các bộ phận đều khẳng định như vậy.
Không ai chịu ai. Chúng quyết định đến gặp một thiên thần và nói:
– Thưa Ngài, ai trong số chúng con đây là bộ phận quan trọng nhất?
– Bộ phận quan trọng nhất là bộ phận, mà nếu thiếu nó thì cơ thể khó sống nhất.
Thế là Tiếng nói ra đi. Một năm sau quay trở về hỏi tất cả:
– Thiếu tôi, các anh sống thế nào?
Tất cả trả lời:
– Như những người câm vậy thôi. Không nói nhưng hít thở khí trời, nhìn bằng mắt, nghe bằng tai, suy nghĩ bằng đầu óc – chúng tôi vẫn sống bình thường.
Và Tiếng nói trở lại cơ thể.
Khi đó Thị giác ra đi. Một năm sau quay trở về hỏi tất cả:
– Thiếu tôi, các anh sống thế nào?
Tất cả trả lời:
– Như những người mù vậy thôi. Không nhìn thấy gì nhưng hít thở khí trời, nói bằng lưỡi, nghe bằng tai, suy nghĩ bằng đầu óc – chúng tôi vẫn sống bình thường.
Và Thị giác trở lại cơ thể.
Khi đó Thính giác ra đi. Một năm sau quay trở về hỏi tất cả:
– Thiếu tôi, các anh sống thế nào?
Tất cả trả lời:
– Như những người điếc vậy thôi. Không nghe thấy gì nhưng hít thở khí trời, nói bằng lưỡi, nhìn bằng mắt, suy nghĩ bằng đầu óc – chúng tôi vẫn sống bình thường.
Và Thính giác trở lại cơ thể.
Thế là Trí tuệ ra đi. Một năm sau quay trở về hỏi tất cả:
– Thiếu tôi, các anh sống thế nào?
Tất cả trả lời:
– Sống như những con trẻ vậy thôi. Không có trí tuệ nhưng hít thở khí trời, nói bằng lưỡi, nhìn bằng mắt, nghe bằng tai – chúng tôi vẫn sống bình thường.
Sau đó, cơ quan Hô hấp định ra đi. Cả cơ thể lồng lên như con ngựa bị trói chân. Tất cả các bộ phận khóc lóc, quì xuống lạy cơ quan hô hấp:
– Ngươi là ông chủ. Ngươi là quan trọng nhất. Đừng đi!


Sức mạnh của sự hiểu biết

Ngày xưa ở Ấn Độ có bốn người bạn cùng sống trong một làng. Ba người trong số họ rất thông thạo kinh pháp của đạo Bàlamôn nhưng họ không biết cách xử sự khôn ngoan và sáng suốt. Người thứ tư, ngược lại, biết cách xử sử sáng suốt và khôn ngoan trong mọi tình huống nhưng không biết gì về kinh pháp. Một hôm cả bốn người gặp nhau trò chuyện, một người đề nghị:
– Chúng ta là những người thông thuộc kinh pháp và khôn ngoan nhưng nếu ta không đi xa, dùng kiến thức để làm giàu cho mình thì kiến thức của ta phỏng có ích gì?

Thế là họ nhất trí lên đường về hướng Đông. Trên đường một người nói:
– Một người trong só chúng ta không biết chút gì về kinh pháp, không có phẩm chất gì đặc biệt ngoài phép xử sự khôn ngoan, mà ta thì cần gì phép xử sự này, có lẽ ta để cho người này quay về.
– Cậu nên quay trở lại – người thứ hai lên tiếng ủng hộ người kia – bởi vì cậu không biết chút gì về kinh pháp cả.
– Đừng nói bậy, chúng ta là bạn thân từ lâu – người thứ ba lên tiếng phản đối – Hãy để cậu ấy đi cùng.
Tất cả đồng ý. Họ đi qua một khu rừng và nhìn thấy một con sư tử đã chết.
– Đây là cơ hội thử thách những kiến thức của tất cả chúng ta – một người nói – ta hãy làm cho con sư tử này sống lại. Tôi lo phần xương.
– Người thứ hai đồng ý làm sống lại phần gân cốt, người thứ ba đồng ý thổi vào hơi thở.
Người xử sự sáng suốt bảo ba người kia:
– Các cậu hãy từ từ. Nó là sư tử. Nếu ta làm cho nó sống lại, nó sẽ xé xác tất cả chúng ta.
– Cậu đứng có mà nói nhảm – một người nói – bây giờ cậu sẽ nhìn thấy sức mạnh của của kiến thức.
– Thế thì hãy đợi một chút, tớ sẽ trèo lên cây – người xử sự khôn ngoan đề nghị.
Con sư tử sống lại và gầm lên rồi lao vào xé xác ba người kia.


Nhà thiên văn học và tên trộm

Nhà thiên văn học thường xuyên quan sát bầu trời vào ban đêm. Một hôm có tên trộm lẻn vào nhà ăn trộm. Sáng ra, thấy đồ đạc bị mất, nhà thiên văn học đã đi báo công an.
Tên trộm bị bắt giữ. Hắn khai với công an rằng lúc hắn ăn trộm đồ, trong nhà không có ai cả. Để xác định chính xác tội trạng – ăn cắp hay trấn lột – công an cho gọi nhà thiên văn học.
– Anh ở đâu vào thời điểm bị mất cắp?
– Tôi ở nhà.
– Nhưng tên trộm khẳng định rằng lúc đó không có ai ở nhà.
– Tên trộm tập trung xem cái gì có giá trị đối với nó. Còn tôi thì tập trung vào điều gì quan trọng đối với tôi. Tôi lúc đó “ở trên trời”. Chúng tôi cùng ở trong một phòng nhưng đã không nhìn thấy nhau.


Sông và hồ

Một nhà sư quan sát bóng của mình trên dòng nước sông và suy nghĩ: “Để xem có đúng là bóng đứng yên trên sông?” Sau đó nhà sư chạy đến một hồ nước và quan sát. Bóng trên mặt nước hồ không chuyển động.
“Thật lạ lùng – nhà sư nghĩ bụng – ta cứ nghĩ rằng bóng trên mặt nước hồ đứng yên thì quả vậy. Nhưng sông chảy, cuốn đi mọi thứ, nghĩa là sông cũng phải cuốn đi bóng của ta chứ. Thử xem lại một lần nữa”.
Bóng trên dòng nước chảy vẫn đứng yên. “Thật đáng buồn – nhà sư nghĩ bụng – kết quả ngoài sự mong đợi của ta”.
Nhà sư đến hỏi một nhà bác học:
– Tại vì sao nước trên sông hay hồ (chảy hay không chảy) đều cho bóng như nhau?
– Thế nhà sư muốn nhìn thấy bóng trên sông ra sao? – nhà bác học hỏi.
– Ta muốn nhìn thấy bóng của ta chuyển động.
– Chuyển động như thế nào, xuôi dòng hay ngược dòng?
– Theo suy nghĩ và kinh nghiệm của ta – xuôi dòng.
– Nhanh hay chậm?
– Bình thường, sao cho bóng không mất, và để ta có thể nhìn thấy bóng chuyển động.
Nhà bác học suy nghĩ một lát rồi nói:
– Đừng bao giờ nhìn vào mặt nước hồ, đừng bao giờ dừng lại bên sông mà hãy chạy xuôi theo dòng nước chảy và quan sát bóng của mình thì nhà sư sẽ không bao giờ thất vọng. Còn nếu như đem dừng một thứ này thì thứ kia sẽ phải chuyển động. Đấy là qui luật của cuộc sống.


Giới hạn của nhận thức

Một người đàn ông hỏi nhà bác học:
– Làm ơn cho tôi biết: nhận thức của tôi có giới hạn không?
– Biết giải thích thế nào cho anh đây – nhà bác học trả lời – anh hãy nhìn bầu trời vào buổi sáng, sẽ thấy giới hạn của nó là màu xanh và mây là những kẻ giữ gìn cái giới hạn đó. Anh hãy nhìn bầu trời vào ban đêm, sẽ thấy giới hạn là khoảng cách vô tận, và những kẻ làm chứng – đó là những ngôi sao, những vì tinh tú, kể cả những nhà thiên văn học. Chỉ sự chiếu sáng thay đổi thôi mà kết quả như vậy.
Đối với những con người cũng thế. Khi đêm đến, đối với nhận thức của ta có một sự vô tận không bao giờ biến mất nhưng sự vô tận này sẽ bị che khuất nếu có thừa ánh sáng của cuộc đời.


Sự xét đoán

Nhà thần học Osho viết: “Nếu một người nhìn thấy rõ rành một chuyện nào đấy ở người khác thì người này mang chuyện đó ở trong mình. Xét đoán của người này là sự thể hiện cái điều bị đè nén hoặc chưa được thực hiện ở trong mình”.

Hai nhà sư đi qua một dòng sông chảy xiết. Cách đấy không xa có một cô gái trẻ đẹp cũng muốn qua sông nhưng sợ hãi. Cô gái nhờ hai nhà sư giúp cô. Một nhà sư nhỏ nhẹ bảo cô gái ngồi trên vai mình rồi cõng cô qua sông. Nhà sư kia thấy vậy rất bực mình. Người này không nói gì nhưng nghĩ bụng: “Đấy là điều cấm kỵ. Kinh đã cấm các nhà sư đụng chạm đến phụ nữ. Thế mà nó không chỉ chạm đến mà còn cõng cô gái trên vai mình!”. Khi hai nhà sư trở về chùa thì trời đã tối. Nhà sư bực bội kia nói với người đã cõng cô gái:
– Ta phải nói cho anh biết là sẽ báo chuyện này. Đấy là điều cấm kỵ. Anh không được làm như thế!
Nhà sư kia ngạc nhiên hỏi lại:
– Ngươi nói gì, cấm điều gì?
– Anh đã quên hết, anh đã cõng trên vai mình cô gái trẻ đẹp.
Người kia trả lời:
– Ta cõng cô gái sang bờ bên kia trong một phút rồi bỏ cô ở đó. Còn anh vẫn mang theo cô ấy đến bây giờ.


Cuộc đời mãi mãi

Ngày xưa có ông vua hành hương về nơi sinh ra Đức Phật. Khi đi qua một ngọn đồi nhà vua nhìn thấy một ông già râu tóc bạc phơ đang trồng cây. Nhà vua ra lệnh cho đoàn tùy tùng dừng lại rồi bước đến hỏi ông già:
– Nhà ngươi làm gì vậy?
– Già trồng những cây dẻ – ông già trả lời.
Nhà vua ngạc nhiên:
– Ngươi đã già, trồng cây dẻ mà làm gì nữa. Ngươi sẽ không còn được nghỉ ngơi dưới bóng mát và cũng chẳng còn được ăn trái cây?
Ông già ngước nhìn nhà vua, trả lời:
– Những người sống trước chúng ta đã trồng cây, và chúng ta được ăn trái. Bây giờ chúng ta trồng cây để những kẻ dến sau này sẽ được ăn.


Chiếc áo của người hạnh phúc

Ngày xưa có ông vua cai trị một quốc gia hùng mạnh. Nhà vua có tất cả những gì mà người trần có thể mơ ước: cung điện lộng lẫy, nguy nga, vàng bạc châu báu vô bờ, quyền hành vô tận và nhà vua luôn khỏe mạnh. Nhà vua có nhiều vợ đẹp, nhiều con và vô vàn đầy tớ. Tất cả mọi ước muốn của vua, dù to hay bé, đều được thi hành ngay lập tức nhưng nhà vua vẫn không hề có niềm vui. Nhà vua ngự trên ngai vàng suy ngẫm về sự không hài lòng của mình, có điều gì đấy còn thiếu. Một hôm nhà vua hiểu rằng mình không có hạnh phúc.
Nhà vua lệnh cho gọi một thầy thuốc giỏi trong triều đến và bảo:
– Ta cần hạnh phúc. Ngươi hãy làm cho ta trở thành một người hạnh phúc. Ta sẽ thưởng cho ngươi bấy nhiêu vàng bạc mà ngươi cần, còn nếu không, ngươi sẽ bị treo cổ.
Thầy thuốc vô cùng lo lắng. Người này nghĩ bụng: “Biết làm sao bây giờ. Có ai biết cách làm cho một người trở nên hạnh phúc bao giờ đâu, vì rằng hạnh phúc là một trạng thái ở bên trong con người”.
– Muôn tâu hoàng thượng – thầy thuốc trả lời – thần phải suy nghĩ. Đêm nay thần sẽ xem lại toàn bộ sách vở, sáng mai thần sẽ tìm cách giải quyết.
Suốt đêm thầy thuốc không ngủ. Tìm đọc trong sách nhưng sách về y học không hề nói gì đến hạnh phúc, tưởng chừng tuyệt vọng. Đến gần sáng, người này nghĩ ra một cách rất đơn giản và tâu với vua:
– Muôn tâu hoàng thượng, cần tìm một chiếc áo của một người hạnh phúc, mặc áo này hoàng thượng sẽ có hạnh phúc.
Nhà vua nghe vậy rất mừng bèn lệnh cho một vị quan:
– Nhà ngươi hãy đi tìm một người hạnh phúc, xin chiếc áo của nguời đó rồi đem về đây cho ta.
Vị quan này cảm thấy lo lắng. Đầu tiên vị quan tìm đến một người rất giàu có hỏi xin chiếc áo nhưng người này trả lời:
– Ngài muốn lấy mấy chiếc cũng có, tôi chẳng tiếc gì với nhà vua cả nhưng mà tôi không dám gọi mình là người hạnh phúc đâu. Xin cám ơn ngài đã có cách hay. Từ nay tôi cũng sẽ sai đầy tớ đi tìm người hạnh phúc.
Vị quan tiếp tục ra đi tìm nhiều người khác nhưng chẳng có ai là người hạnh phúc. Ai cũng bảo: “Để cho nhà vua hạnh phúc chúng tôi sẵn sàng hi sinh tất cả, thậm chí cả cuộc đời mình, nhưng chúng tôi không phải là nguời hạnh phúc”.
Vị quan lo lắng nghĩ bụng: “Tay thầy thuốc thâm nho thật. Tai họa sẽ đổ lên đầu mình”.
Bỗng nhiên, có ai đấy bảo:
– Tôi biết có một người. Người này chắc chắn là người hạnh phúc. Anh ta hằng đêm thổi sáo bên bờ sông. Có lẽ ngài cũng đã từng nghe thấy?
– Đúng vậy – vị quan trả lời – đôi khi nửa đêm ta nghe tiếng sáo rất kỳ lạ. Người này là ai? Tìm hắn ở đâu?
– Chúng ta sẽ tìm được. Người này hằng đêm vẫn ra bờ sông.
Thế là họ đến bờ sông. Nghe tiếng sáo thần tiên, vị quan bỗng cảm thấy mình là một người hạnh phúc.
– Ôi trời! – vị quan kêu lên – Ta đã tìm được người mà ta cần! – Nói rồi vị quan chạy đến hỏi người thổi sáo: “Ngươi có hạnh phúc không?”
– Vâng – người thổi sáo trả lời – tôi là một người hạnh phúc, tràn trề hạnh phúc.
Vị quan sung sướng nhảy cẫng lên rồi bảo:
– Nhà ngưoi cho ta xin chiếc áo.
Người thổi sáo im lặng, không trả lời.
– Tại vì sao ngươi im lặng? – Vị quan lo lắng hỏi – Ta xin chiếc áo cho nhà vua!
– Nhưng mà tôi không có áo. Trời tối nên ngài không nhìn ra, tôi ở trần.
– Làm sao mà ngươi hạnh phúc được nếu thậm chí chiếc áo mặc trên người cũng không có?
– Vấn đề là ở chỗ đó – người thổi sáo trả lời – ngày xưa tôi từng là một người giàu có và tự tin nhưng thường đau khổ. Sau đó, tôi gặp điều tai họa. Cuộc đời giống như nhà điêu khắc đã cắt xén và nhào nặn tôi lần nữa. Tôi bị mất tất cả – giàu có, tự tin và cả nỗi bất hạnh của mình. Tôi trở thành người tự do với những thứ đó, tự do với ngay cả chính bản thân mình. Thế là hạnh phúc tràn ngập trong lòng tôi.


Ta chỉ là khách du lịch

Nhà thần học Osho viết: “Đừng bao giờ thuộc về cái gì cả và đừng cảm thấy mình là một phần của cái gì cả – đó là kinh nghiệm quí giá nhất ở cõi đời này.
Một khách du lịch người Mỹ tìm đến một pháp sư của giáo phái Sufism. Người khách Mỹ từ lâu nghe tiếng và còn nhớ nhiều câu nói nổi tiếng của pháp sư nên đã tìm đường sang thăm. Khi bước vào nhà vị khách rất ngạc nhiên thấy trong nhà không có một thứ đồ đạc gì cả. Người Mỹ không thể hình dung được cuộc sống mà không có tiện nghi.
– Thưa ngài, đồ đạc, tiện nghi của ngài ở đâu?
Pháp sư cười và hỏi lại:
– Thế đồ đạc, tiện nghi của anh ở đâu?
– Nhưng mà tôi là khách du lịch, tôi không thể mang tiện nghi đi theo.
– Thì ta cũng chỉ là khách du lịch, đến đây chỉ mấy ngày. Sau đó ta sẽ không còn, cũng như anh, sẽ không còn nữa.
Cuộc đời này là một chuyến hành hương. Một chuyến hành hương quan trọng nhưng không phải nơi chốn để mà ta thuộc về, cũng không phải nơi chốn để ta có thể trở thành một phần của nó”.


Cây ước muốn

Nhà thần học Osho viết: “Để thay đổi bạn cần sẵn sàng chịu trách nhiệm với tất cả những gì mà bạn làm trong đời mình: xấu xa hay tốt đẹp, địa ngục hay thiên đàng, hân hoan hay giận dữ. Khi bạn hiểu ra rằng chính bạn là nguyên nhân của những gì xảy ra với bạn, khi đó trách nhiệm này được nhận thức và được chấp nhận. Bạn hãy mở ra những khả năng mới!”

Dưới đây là một câu chuyện rất nổi tiếng.
Một người đàn ông đi chu du khắp thiên hạ và bỗng nhiên đi vào thiên đàng. Ở Ấn Độ khái niệm thiên đàng – đó là cây ước muốn. Hễ ai ngồi dưới bóng cây này thì mọi điều ước muốn sẽ được thực hiện ngay. Không một chút trì hoãn giữa ước muốn và thực hiện điều ước muốn.
Người đàn ông mệt mỏi vì đi đường lâu ngày nên đã nằm ngủ say dưới bóng cây ước muốn.
Khi tỉnh dậy, người này cảm thấy đói bụng và nghĩ:
- Giá mà bây giờ có cái gì đấy để mà ăn.
Ngay lập tức từ hư vô đồ ăn ngon hiện ra trước mặt. Người đàn ông rất đói nên chẳng hề quan tâm đến chuyện đồ ăn ở đâu ra (khi bạn đói, bạn không hề nghĩ ngợi). Người đàn ông ăn ngấu nghiến một cách ngon lành…
Khi cơn đói đi qua, người đàn ông bắt đầu nhìn xung quanh. Lúc này anh ta cảm thấy mãn nguyện. Trong đầu anh ta hiện ra một ý nghĩ khác.
- Giá mà bây giờ có chút gì để uống…
Ở thiên đàng thì không có gì là không có cả. Không có không phải thiên đàng. Ngay lập tức một bình rượu vang hiện ra.
Người đàn ông nằm dưới bóng cây nhấm nháp rượu vang, một cơn gió mát mơn man làm người này nghĩ đến những ý nghĩ khác.
- Điều gì đang xảy ra thế này? Hay ta ngủ một giấc? Hay là những con ma đang diễn kịch trước mặt ta?
Thế là những con ma xuất hiện. Những con ma có hình thù quái đản và khủng khiếp vô cùng – giống như sự hình dung của người đàn ông về chúng nó.
Người đàn ông cảm thấy run sợ và nghĩ:
- Chắc bây giờ chúng nó sẽ giết chết ta.
Thế là những con ma giết chết người này.
Câu chuyện này mang một ý nghĩa sâu sắc. Trí tuệ của bạn – đó là cây ước muốn, và dù bạn có nghĩ đến điều gì chăng nữa thì sớm hay muộn sẽ được thực hiện. Đôi khi khoảng cách thời gian rất ngắn đến mức bạn quên hẳn và bạn không thể tìm ra nguồn gốc của nó từ đâu. Nhưng nếu như nhìn vào thật sâu, bạn sẽ thấy rằng những ý nghĩ của mình tạo nên cuộc đời mình.
Những ý nghĩ tạo nên cái xấu và cái tốt, địa ngục và thiên đàng, hân hoan và đau khổ… Và mỗi người ở đó là một Ông tiên, mỗi người là Đấng Tạo hóa cho cuộc sống của mình. Mỗi người là người xe chỉ luồn kim, là người xe tơ dệt vải, dệt nên một thế giới ở xung quanh mình… và sau đó hóa ra là bị trói buộc vào đấy. Con nhện tự sa vào lưới của mình. Không ai làm khổ bạn mà bạn tự làm khổ mình. Đến khi nhận thức được điều này thì mọi thứ bắt đầu thay đổi. Khi đó bạn có thể lật ngược hoàn toàn, bạn có khả năng biến địa ngục của mình thành thiên đàng. Tất cả đều ở trách nhiệm của bạn.
Và sau đó thì những khả năng mới sẽ xuất hiện: nếu bạn đã sẵn sàng, bạn có thể ngừng sáng tạo thế giới. Không còn sự cần thiết phải tạo ra địa ngục hay thiên đàng, không còn sự cần thiết phải sáng tạo nói chung. Người sáng tạo có thể nghỉ ngơi, thư giản để trí tuệ đi vào trạng thái thiền”.


Câu chuyện về cà phê

Một cô gái than thở với bố về những vấn đề của mình:
- Con cảm thấy mệt mỏi lắm rồi bố ạ, không hiểu sao cuộc đời con lại quá nhiều khó khăn, nảy sinh nhiều vấn đề như vậy. Lúc nào con cũng là người bơi ngược dòng thôi… con phải làm gì bây giờ?
Thay cho câu trả lời, ông bố lấy 3 chiếc nồi nhỏ đựng nước bắc lên bếp. Ông cho vào nồi thứ nhất một củ cà rốt, nồi thứ hai một quả trứng, nồi thứ ba là gói cà phê bột. Sau một thời gian ông lấy trứng, cà rốt và rót cà phê ra ly.
- Điều gì đã thay đổi? – ông hỏi cô con gái.
- Cà rốt và trứng chín còn cà phê tan vào nước – cô con gái trả lời.
- Không phải thế đâu con ạ, đấy chỉ là cái nhìn bề ngoài về sự vật. Con nhìn xem – củ cà rốt cứng đun trong nước sôi trở thành mềm và nhũn. Quả trứng dễ vỡ và lỏng trở thành cứng. Bề ngoài chúng không thay đổi mà chỉ thay đổi bên trong do tác động của điều kiện không thuận lợi là nước sôi. Con người thì cũng thế thôi – người mạnh mẽ bề ngoài có thể trở nên yếu đuối nơi mà người yếu đuối sẽ trở nên mạnh mẽ…
- Thế còn cà phê thì sao hả bố?
- Ồ! Đấy là điều tuyệt vời! Bột cà phê hòa tan vào môi trường thù nghịch và làm thay đổi nó – biến nước sôi trở thành thứ đồ uống tuyệt vời. Có những con người đặc biệt không thay đổi vì hoàn cảnh, mà ngược lại, họ làm thay đổi hoàn cảnh, biến nó trở nên tốt đẹp hơn, họ lấy ra bài học và lợi ích cho mình từ hoàn cảnh…


Tiền không mua được hạnh phúc

Một sinh viên hỏi thầy giáo dạy môn triết:
- Thưa thầy, câu nói “tiền không mua được hạnh phúc” đúng bao nhiêu phần trăm trong thời buổi thị trường này?

Người thầy trả lời rằng câu này đúng 100 phần trăm và chứng minh cho điều này không khó. Vì rằng tiền có thể mua giường nệm nhưng không phải giấc mơ; có thể mua ngôi nhà nhưng không phải là tổ ấm; có thể mua phóng đãng nhưng không mua được tình yêu; có thể mua những món hải vị sơn bào nhưng sự ngon miệng thì không mua được; có thể mua đủ loại thuốc nhưng không mua được sức khỏe cho mình; có thể mua các loại bằng nhưng không mua được trí tuệ; có thể thuê người phục vụ nhưng không mua được bạn bè; có thể mua đồng hồ nhưng thời gian không mua được… Và những thứ như trên còn có thể kéo dài mãi hoặc đem diễn thành thơ:


Có thể mua ngôi nhà
Nhưng không là tổ ấm
Có thể mua giường nệm
Không mua được giấc mơ
Có thể mua đồng hồ
Thời gian không mua được
Có thể mua sách đọc
Nhưng kiến thức thì không
Có thể mua chức quyền
Kính trọng không mua được
Trả tiền cho thầy thuốc
Không cho sức khỏe mình
Có thể mua linh hồn
Nhưng không mua cuộc sống
Có thể mua phóng đãng
Không mua được tình yêu.



Tiếp nhận mình như vốn có

Nhà văn Osho viết: “Bạn không thể trở thành một người nào khác, mà chỉ là con người mà bạn có. Bạn hãy vui lên. Sự tồn tại cần ở bạn như vậy.
Bạn có mặt ở đời vì sự tồn tại cần ở bạn như vốn có. Nếu không thì đã là một ai khác ở đây. Bạn là sự thể hiện của một điều gì đấy đặc biệt, một điều gì đấy quan trọng. Tại sao bạn cứ cần phải trở thành Đức Phật? Nếu Thượng Đế muốn có một Đức Phật khác thì Ngài sẽ tạo ra bấy nhiêu Đức Phật mà Ngài muốn. Nhưng Ngài chỉ tạo ra có một Đức Phật, và thế là đủ. Từ bấy đến giờ Ngài không tạo ra thêm một Đức Phật hay Giê-su nào nữa. Thay vì điều này, Ngài tạo ra bạn. Bạn hãy nghĩ lại coi.
Bạn đã được lựa chọn – Không phải Đức Phật, không phải Giê-su, không phải Krishna. Công việc của họ đã làm xong, họ đã đóng góp phần mình cho sự tồn tại. Bây giờ bạn có mặt ở đây để đóng góp sức mình. Bạn hãy nhìn lại mình xem. Bạn chỉ có thể là chính mình… chứ không thể trở thành một ai đó khác. Bạn có thể nở hoa và tươi tốt hoặc có thể héo hon và tàn lụi nếu như bạn không tiếp nhận mình như vốn có”.


Chiếc bình đầy

Vị giáo sư triết học đứng trên giảng đường cầm trong tay một chiếc bình to và trong suốt. Sau đó ông lấy những viên đá to bằng nửa nắm tay xếp đầy vào chiếc bình này rồi hỏi các sinh viên: “Bình đầy hay không?” Các sinh viên liền trả lời rằng: bình đầy.
Tiếp theo đấy vị giáo sư lấy một túi đậu đen đổ vào chiếc bình kia rồi lắc qua lắc lại. Những hạt đậu chui vào những khe hở giữa những viên đá. Giáo sư tiếp tục hỏi sinh viên: “Bình đầy hay không?” Các sinh viên lại trả lời rằng: bình đầy.
Khi đó giáo sư lấy những hạt cát nhỏ tiếp tục cho vào bình và tất nhiên, những hạt cát đã lấp kín chiếc bình. Giáo sư tiếp tục hỏi sinh viên: “Bình đầy hay không?” Và các sinh viên lại trả lời rằng: bình đầy.
Vị giáo sư lấy một cốc nước rót vào bình cho đến giọt cuối cùng. Những sinh viên của ông cười ầm lên. Vị giáo sư nói:
- Tôi muốn cho các em hiểu rằng: chiếc bình – đó là cuộc đời của các em. Những viên đá – đấy là những thứ quan trọng nhất của cuộc đời: là sức khỏe, gia đình, bạn bè, con cái – là những thứ cần thiết để cho cuộc đời của các em vẫn đầy ngay cả khi những thứ còn lại đều đã đánh mất. Những hạt đậu – đấy là những thứ quan trọng đối với các em: đó là công việc, là nhà, xe… Những hạt cát – là những thứ còn lại, những thứ vặt vãnh.
Nếu đầu tiên các em đem cát đổ đầy bình thì sẽ không còn chỗ cho những hạt đậu và những viên đá. Trong cuộc đời cũng vậy, nếu các em dùng tất cả thời gian và sức lực cho những thứ vặt vãnh thì sẽ không chỗ cho những thứ quan trọng. Các em hãy làm những gì mang lại cho các em hạnh phúc: chăm sóc vợ con, gặp gỡ bạn bè. Vẫn còn thời gian cho công việc, sửa nhà, rửa xe… Trước hết hãy lo những viên đá, nghĩa là những thứ quan trọng nhất, xác định những ưu tiên trong cuộc đời, còn tất cả những thứ còn lại – chỉ là những hạt cát.
Một sinh viên giơ tay hỏi rằng: thế ý nghĩa của nước là gì? Vị giáo sư mỉm cười:
- Em hỏi câu này rất hay. Thầy đã đổ vào bình một cốc nước là muốn chứng minh cho các em thấy rằng cho dù cuộc đời của các em có bận bịu đến đâu, đầy ắp đến đâu thì vẫn luôn còn chỗ để mà thư giãn.


 Câu chuyện về Solon

Chuyện kể rằng Solon – nhà chính trị, nhà lập pháp, nhà thơ, một trong bảy nhà thông thái của Hy Lạp cổ đại được vua Croesus của vương quốc Lydia mời đến thủ đô Sardis.
Croesus nổi tiếng là ông vua giàu có nhất thời bấy giờ. Solon cứ ngỡ mỗi người gặp trên đường vào cung điện của Croesus là nhà vua vì những bộ quần áo sang trọng trên người của họ.
Cuối cùng người ta dẫn Solon vào gặp Croesus. Nhà vua ra lệnh mở những kho châu báu của mình cho Solon xem. Tất cả mọi người đều nghĩ rằng Solon sẽ lấy làm kinh ngạc. Thế mà Solon tỏ vẻ hờ hững như không có gì.
- Ngươi có biết trên thế gian này còn có ai hạnh phúc hơn ta? – Croesus hỏi Solon.
- Vâng – Solon trả lời – đó là Tellus, người Athens. Ông là một người tốt và trung thực đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh vì tổ quốc. Con cái của ông được ông giáo dục đến nơi đến chốn, họ đều trở thành những công dân có ích cho xã hội và là những người đáng kính.
Croesus lấy làm ngạc nhiên khi thấy Solon coi trọng một người Athens bình thường hơn là vị vua của một Vương quốc hùng mạnh. Hy vọng rằng Solon sẽ nghĩ lại, Croesus hỏi “Thế theo ngươi, ai là người hạnh phúc nhất, sau Tellus? Nhà vua tin chắc rằng Solon sẽ gọi tên ông. Nhưng thay vì tên Croesus, Solon đi kể câu chuyện về hai anh em Cleobis và Biton. Mẹ của họ là người tư tế của nữ thần Hera. Hai chàng trai cường tráng luôn chiến thắng trong các cuộc tranh tài. Theo tục lệ, những người tư tế của nữ thần Hera trong ngày lễ được long trọng chở đến đền thờ trên xe ngựa kéo. Một lần không kiếm đâu ra ngựa, hai chàng trai đã thay ngựa chở mẹ đến đền thờ. Dân chúng ai cũng khen những người con có hiếu còn bà mẹ thì xin nữ thần Hera ban phước cho họ. Nữ thần đã thực hiện lời cầu của bà mẹ. Ngay trong đếm hôm ấy hai chàng trai từ giã cõi đời trong một giấc mơ. Còn gì sung sướng hơn là được chết mà không đau đớn, muộn phiền lại trên tột cùng của sự vinh quang?!
- Còn ta thì ngươi không coi là một người hạnh phúc?! – Croesus ngạc nhiên.
- Không biết được – Solon trả lời, ông không muốn nịnh nhà vua nhưng cũng không muốn làm cho nhà vua giận – Ông trời cho con người chúng ta một trí tuệ mà không thể nào nhìn thấy trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Chỉ có thể gọi một người nào đó là hạnh phúc khi người này đã sống hết cuộc đời mà không biết đến khổ đau và bất hạnh. Còn đi gọi một người là hạnh phúc khi cuộc đời của người này vẫn còn dài, nghĩa là còn có những bất ngờ và nguy hiểm phía trước – điều này có khác chi trao vòng nguyện quế cho vận động viên khi cuộc đua chưa kết thúc.
Nói xong những lời như vậy, Solon bỏ ra về. Ông đã làm cho vua Croesus giận chứ chẳng giúp cho nhà vua khôn lên được một chút nào. Và Croesus thời đấy vẫn xem thường Solon – một trong bảy nhà thông thái của Hy Lạp.
Lúc bấy giờ nhà văn ngụ ngôn nổi tiếng Aesop cũng ở Sardis. Một hôm gặp nhau, Aesop bảo Solon:
- Với vua chúa thì hoặc là không nên trò chuyện với họ hoặc là chỉ nên khen họ.
- Còn tôi thì nghĩ rằng – Solon trả lời – hoặc là không trò chuyện gì với họ hoặc là cần nói cho họ biết sự thật.
Những lời của Solon thành ra đúng. Mấy năm sau đó, Croesus bị thua trong một trận đánh với vua Cyrus của Ba Tư. Croesus bị bắt làm tù binh và, theo lệnh của Cyrus, bị đem thiêu sống.
Croesus bị trói vào cọc, xung quanh chất đầy củi trước sự chứng kiến của quan lính Ba Tư và đích thân vua Cyrus. Khi những ngọn lửa bắt đầu táp ràn rạt vào đống củi, Croesus bỗng kêu to:
- Ôi Solon! Ôi Solon! Ôi Solon!
Vua Ba Tư Cyrus vô cùng ngạc nhiên trước cái tên Solon. Đấy là người hay thần thánh mà Croesus đã kêu tên ba lần trong phút giây tuyệt vọng, ông bèn lệnh cho quan lính dập lửa để hỏi xem.
- Đấy là một trong bảy nhà thông thái của Hy Lạp mà tôi đã mời vào triều nhưng không phải để nghe hay để học hỏi điều gì mà để người này chiêm ngưỡng lâu đài và tài sản của tôi. Ông ta từng nói với tôi rằng một khi cuộc đời con người còn dài thì chưa thể gọi người này là người hạnh phúc, vì rằng không ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra trong ngày mai.
Và Croesus nói với Cyrus rằng chỉ đến khi bị trói bẻ quặt tay ra phía sau và xung quanh chất đầy củi ông mới hiểu ra rằng mình đã từng khoe khoang một cách mù quáng và từng sai lầm coi tài sản là hạnh phúc.
Vua Cyrus của Ba Tư tỏ ra thông minh hơn Croesus, nhìn thấy linh nghiệm những lời của Solon qua sự việc này nên không chỉ ra lệnh thả Croesus mà còn tỏ thái độ kính trọng Croesus cho đến hết cuộc đời mình.
Từ đây Solon nổi tiếng: một lời nói đã cứu đời cho một ông vua và ngăn một ông vua khác không dùng đến sự dã man không cần thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét