Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

Giai thoại hay nhất - P. 12


Thánh Valentine

Ngày xưa ở Roma có một người thầy thuốc tên là Valentine. Ông trở thành một linh mục, mặc dù thời đó những người theo đạo Thiên Chúa còn bị truy đuổi. Valentine không chỉ thường xuyên cầu nguyện cho các bệnh nhân của mình sức khỏe mà ông còn bí mật làm lễ cưới cho các đôi uyên ương.
Một hôm, có một người cai ngục gõ cửa nhà Valentine. Người này dắt theo một đứa con gái mù. Người cai ngục nghe tin về tài chữa bệnh của Valentine nên cầu khẩn ông chữa cho con gái của mình. Valentine biết rằng, bệnh của cô gái là không thể chữa được, tuy nhiên ông vẫn hứa rằng sẽ làm hết sức mình để chữa cho cô gái. Ông cho cô gái một ít thuốc mỡ để bôi lên mắt và dặn sẽ đến để ông xem lại sau một thời gian.
Sau đó mấy tuần, thị lực của cô gái vẫn không hề khá hơn. Tuy nhiên, người cai ngục và cô con gái của ông vẫn tin thưởng ở thầy thuốc Valentine nên tiếp tục điều trị.
Cũng trong thời gian này Hoàng đế La Mã nghe tin về chuyện Valentine bí mật làm lễ cưới cho các đôi uyên ương. Một hôm những người lính xông vào nhà ông, tịch thu tất cả thuốc men và bắt giam ông.
Khi người cai ngục, bố của cô gái mù nghe tin Valentine bị bắt thì cũng muốn giúp nhưng ông cũng không biết phải làm gì. Valentine biết rằng chỉ một thời gian ngắn nữa là ông phải chết. Ông nhờ người cai ngục cho ông xin bút, mực và giấy viết để ông viết cho cô gái mù một bức thư vĩnh biệt. Khi người cai ngục trở về nhà, cô con gái mù chạy ra đón ông. Cô gái mở bức thư, ở bên trong bức thư có một bông hoa nghệ tây màu vàng. Cô gái đặt bông hoa vào lòng bàn tay mình, màu sắc của bông hoa chiếu vào gương mặt cô gái. Và đã xảy ra một điều kỳ diệu: mắt cô gái đã sáng trở lại.

Valentine bị tử hình vào ngày 14 tháng 2. Ông được chôn cất ở Roma (theo một truyền thuyết khác thì một phần tro cốt được chôn ở Terni, một phần ở nhà thờ Thánh Antonia ở Madrid). Như một người tử vì đạo, bị hành quyết vì Đức tin, ông được phong Thánh. Năm 496 Giáo hoàng Gêlasiô I lấy ngày 14 tháng 2 là ngày Thánh Valentine, tức ngày của các tình nhân. 
Thực tế như thế nào, chúng ta không biết và sẽ không bao giờ biết được chính xác vì truyền thuyết về Valentine có rất nhiều và rất khác nhau. Nhưng có một điều chúng ta biết được: đó là Thánh Valentine quả là đã chết vì Tình yêu. Ông đã sống bằng tình yêu, dù với một cuộc đời ngắn ngủi – tình yêu với Đức Chúa Trời, tình yêu với một người con gái và tình yêu với con người nói chung, những người mà ông đã giúp đỡ, như là một thầy thuốc, một linh mục hoặc đơn giản chỉ là một con người sống bằng tất cả tấm lòng.


Đông Gioăng

Đông Gioăng (Don Juan) là một nhân vật huyền thoại dân gian ở châu Âu từ thời trung cổ. Còn trong văn học và nghệ thuật lần đầu tiên cái tên này xuất hiện trong một vở kịch của nhà soạn kịch Tây Ban Nha Tirso de Molina có tên “Gã quyến rũ người Sevilla và vị khách bằng đá”. Nội dung của vở kịch này là một câu chuyện có thực ở Sevilla thế kỷ XIV. Nguyên mẫu của nhân vật huyền thoại này là Don Juan Tenorio – một chàng trai quý tộc ở Sevilla.
Đông Gioăng vốn là một chàng trai dũng cảm, táo bạo và có phần vô đạo đức. Chàng đã dành cả cuộc đời mình cho việc tìm kiếm những thú vui nhục dục. Tình yêu, bạo lực và những cuộc đấu táo bạo của chàng làm cả thành phố Sevilla kinh hoàng.
Để chiếm hữu được một người phụ nữ, Đông Gioăng sẵn sàng vi phạm cả luật đời cũng như luật đạo. Ngoài những cô gái quý tộc, các cô gái con nhà lành, chàng còn quyến rũ cả những ni cô xinh đẹp. Đối với đất nước Tây Ban Nha Thiên Chúa giáo thì đây là một việc làm tội lỗi. Nhưng pháp luật luôn im lặng. Bởi vì nhà vua Pedro I de Castilla là bạn của Đông Gioăng. 
Một lần, trong một cuộc trụy hoan có cả nhà vua, Đông Gioăng đã quyến rũ rồi bắt cóc cô con gái xinh đẹp của viên trung tá Gonzalo de Ulloa và đã giết chết người sĩ quan này. Nhưng luật pháp một lần nữa lại im lặng. Thế rồi các ni cô quyết định sẽ tự mình xử kẻ trụy lạc và giết người. Họ cho một ni cô xinh đẹp hẹn gặp gỡ với Đông Gioăng ở nhà thờ, nơi chôn viên sĩ quan bị Đông Gioăng giết chết. Khi Đông Gioăng đến đây họ đã giết chết chàng và chôn ở đó. Để tránh sự trừng phạt của nhà vua, họ loan tin rằng Đông Gioăng đã vứt bức tượng của viên sĩ quan vào địa ngục. Thời đó ở Tây Ban Nha, một sự giải thích như vậy được cho là hoàn toàn có lý.
Phần kết vở kịch của Tirso de Molina khác với câu chuyện thực trên đây. Trong vở kịch này, sau khi giết chết viên sĩ quan, Đông Gioăng đã chạy trốn khỏi Sevilla. Sau một thời gian chàng trở về và tình cờ đi ngang mộ của viên sĩ quan nọ, trên mộ có dòng chữ ghi thề sẽ trả thù kẻ đã giết người. Đọc dòng chữ này, Đông Gioăng đã mời bức tượng đá đi ăn tối. Bức tượng đá đã đến và sau đó mời Đông Gioăng đến mộ mình. Đông Gioăng không thể thất hứa, đã đến ngôi mộ của viên sĩ quan nọ. Sau khi ăn tối xong, cả hai cùng rơi vào địa ngục. Người đầy tớ của Đông Gioăng báo tin cho nhà vua rằng Đông Gioăng đã bị Chúa Trời trừng phạt.  
Trong vở kịch của Tirso de Molina thì Đông Gioăng là một người quyến rũ không chỉ ham mê khoái lạc mà còn là một quá trình đấu tranh để chinh phục phụ nữ theo ý mình. Đông Gioăng là một kẻ chuyên đi chinh phục, không cần quan tâm đến những chiến thắng dễ dàng: “Niềm vui lớn nhất của tôi là quyến rũ phụ nữ, làm mất danh dự của họ rồi bỏ”. Tác phẩm nghệ thuật đầu tiên về Đông Gioăng là như thế. 
Năm 1630 vở kịch này lần đầu tiên được công diễn ở Sevilla và đã thành công vang dội. Ba năm sau đấy được công diễn ở Ý, được người Ý thêm bớt theo cách của mình và cũng thành công không kém. Tiếp đó đến Pháp, Đức và các nước châu Âu khác. 
Viết về Đông Gioăng có các nhà soạn kịch, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế giới như: Carlo Goldoni, Nikolaus Lenau,  Molière, Alfred de Musset,  Lord Byron, Prosper Mérimée, Aleksander Pushkin… Tất cả có gần 140 tác phẩm văn học nghệ thuật trên thế giới viết về huyền thoại này. 
Thường thì nhân vật không còn giống so với nguyên mẫu mà Đông Gioăng trở thành một chàng trai mơ mộng, rất lãng mạn, đôi khi còn là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do. Theo dòng thời gian, tính cách táo bạo của Đông Gioăng được thay thế bằng tính cách dễ mến hơn, và cuối cùng, huyền thoại ở Sevilla trở thành một nhân vật vô cùng quyến rũ.  
Đông Gioăng ngang hàng cùng với Đông Ki-sốt (Don Quijote), Faust, Hamlet, là những hình tượng muôn thuở trong văn học, nghĩa là những hình tượng mang một ý nghĩa chung của nhân loại. Cái tên Đông Gioăng vượt ra ngoài khuôn khổ của những tác phẩm văn học nghệ thuật và được dùng không chỉ để gọi tên nhân vật. Cái tên này đã trở thành một danh từ chung, thường được sử dụng như là một hình dung từ.

Theo cách hiểu chung của người đời thì “Đông Gioăng” là kẻ phóng đãng, kẻ tán gái thần sầu, kẻ quyến rũ từng làm tan nát biết bao con tim phụ nữ. Nhiều chàng “Đông Gioăng” cảm thấy một cung bậc cảm xúc cao nhất ở cái thời điểm quyến rũ và vượt qua được trở ngại. Còn khi người phụ nữ đã qui hàng thì họ lại mất đi sự hứng thú. Nhiều người đàn ông cảm thấy vui, dù thầm lặng, khi thấy người ta gọi mình là “Đông Gioăng”. Mặc dù, quả thực điều này cũng không có gì lấy làm ngạc nhiên, vì rằng nhiều khi sự phóng đãng lại hấp dẫn hơn nhiều so với đạo đức phẩm hạnh. Không phải ngẫu nhiên mà ở Sevilla người ta đã dựng tượng Don Juan Tenorio, kẻ phóng đãng đã làm cho Sevilla nổi tiếng khắp thế giới.    
Ở Việt Nam cái tên Đông Gioăng cũng nổi tiếng không kém và thường thường người ta hình dung Đông Gioăng là Sở Khanh. Tuy nhiên không phải tất cả đều nghĩ như vậy vì những lý do như đã nói. Dù sao, Đông Gioăng là một người tình vĩ đại, mà nguyên mẫu thì ai cũng chỉ nghe loáng thoáng qua vậy thôi. Còn chuyện hình ảnh Đông Gioăng trở thành vĩnh cửu, đời đời là bởi vì trong sâu thẳm cõi lòng, mỗi người đàn ông đều muốn được như Đông Gioăng, còn những người phụ nữ thì vẫn muốn và yêu những chàng Đông Gioăng như vậy.


Gương kia ngự ở trên tường

Trong suốt thời gian dài của lịch sử, những thầy phù thủy nhìn vào gương và khẳng định rằng họ nhìn thấy những hình ảnh mà những người trần mắt thịt không thể nhìn thấy được. Từ xa xưa đã có truyền thuyết cho rằng nhìn vào gương có thể thấy cả quá khứ, tương lai, nhìn vào thế giới bên kia, trò chuyện với những người đã chết từ lâu. Rằng trong những chiếc chiếc gương cũ có linh hồn của tất cả những ai đã từng một lần nhìn vào đó… Bởi thế, không phải vô tình mà nhiều phép bói sử dụng đến gương. Bản chất hai phía của gương luôn bỏ bùa mê và buộc con người phải suy nghĩ. Đã đành là chúng ta có thể không tin, nhưng gương có quá nhiều những đặc tính lạ lùng khiến người ta không thể xem thường được. Nhưng gương có tự bao giờ?
Ngày xửa ngày xưa có ai đó nhìn vào vũng nước, mà cũng có thể là dòng sông, hồ, hoặc đầm và chợt hiểu ra rằng có hình ảnh của mình trong đó. Xác định điều này xảy ra tự bao giờ thật khó, nhưng kể từ dạo đó bắt đầu lịch sử của chiếc gương.
Những chiếc gương đầu tiên xuất hiện từ thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên. Chúng được làm bằng đồng, bạc hoặc bằng vàng và luôn có hình tròn. Người Hy Lạp, Trung Hoa, người Aztec đã từng sử dụng những chiếc gương như thế. “Làm dáng trước gương” không chỉ là thói quen của phụ nữ. Nhà triết học Socrates từng khuyên mọi người soi gương, đặc biệt là những người trẻ tuổi.
Gương làm bằng kính có từ thế kỷ I ở La Mã. Nhưng vào thời tiền Trung cổ nó bị nhà thờ cấm. Các linh mục cho rằng quỉ sứ nhìn ra đời từ trong những tấm gương. Thế rồi sự hồi sinh của gương kính diễn ra trong thế kỷ thứ III. Tuy nhiên, những người thợ thời đó chưa biết cách đệm lớp thiếc vào kính nên hình ảnh không được thật. Chỉ 300 năm sau nữa người ta mới biết cách quét một lớp thiếc vào mặt kính và họ còn cho thêm đồng, vàng vào nữa nên hình ảnh trong gương trở nên đẹp hơn hình ảnh thật ngoài đời. Thời đó, người Venice, Italia làm được những chiếc gương tốt nhất nhưng giá cũng rất đắt, gần bằng giá của một con thuyền đi biển. Người Venice sợ bí quyết của họ bị ăn cắp nên chuyển toàn bộ thợ gương ra đảo Murano – cách biệt với thế giới bên ngoài.
Trong khi đó giá gương đắt lại là mối đe dọa cho ngân khố của nước Pháp. Giới quí tộc Pháp sẵn sàng đánh đổi cả gia tài đồ sộ để đổi lấy những sản phẩm gương của Italia. Sau lần nhìn thấy hoàng hậu nước Pháp xuất hiện trong một buổi dạ hội, mặc chiếc váy lộng lẫy có gắn những mảnh gương Italia, Bộ trưởng Bộ tài chính Pháp đã lắc đầu nói rằng: “Chỉ một buổi dạ hội như thế nữa thì nước Pháp sẽ phá sản” – và ông quyết định dùng những biện pháp cấp bách.
Theo lệnh của Bộ trưởng tài chính Pháp, người ta tiến hành việc mua chuộc các thợ gương Italia rồi bí mật tổ chức bắt cóc họ. Một thời gian sau đó công xưởng sản xuất gương đầu tiên ở châu Âu được xây dựng ở nước Pháp. Người Pháp không giữ bí mật của công nghệ sản xuất gương nên số lượng gương đã tăng lên nhanh chóng. Một Gallery với 306 chiếc gương được xây dựng ở Versailles làm kinh ngạc tất cả những ai được diễm phúc nhìn ngắm nó.

Kể từ dạo đó, những chiếc gương ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống của con người. Đầu tiên gương được dùng làm vật trang trí nhưng dần dần trở thành vật không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà.
Nhưng gương không chỉ là vật chỉ dùng khi trang điểm. Những người lính trinh sát dùng gương để mã hóa các tin báo, những tin báo như thế không có gương thì không thể đọc được. Trong “Cuộc chiến 30 năm” (Thirty Years War, 1618 - 1648) những người lính đã dùng gương để thả tín hiệu qua ánh mặt trời làm cho đối phương nhầm lẫn.
Ngày nay người ta dùng gương để thu ánh mặt trời sưởi ấm nhà cửa, nấu ăn. Gương là bộ phận quan trọng của kính thiên văn, đèn pha, kính hiển vi, máy ảnh… và chắc là còn nhiều sự kiện quan trọng hãy còn phía trước, vì rằng khoa học không đứng yên một chỗ.


Hôn

Từ xa xưa Platon đã giải thích về việc tại sao con người thích hôn nhau. Giả thiết của Platon cho rằng trước đây con người là một sinh vật có hình tròn, có 4 chân và 4 tay, hai gương mặt ngoảnh về hai phía. Tuy nhiên sinh vật này rất ngạo mạn và nuôi ý định trèo lên trời để tấn công các vị thần, đã làm cho thần Dớt quyết định cắt đôi họ ra làm hai nửa. Vì thế, qua nụ hôn hai nửa lại được hòa nhập với nhau như ban đầu…
Các nhà tâm lý học cho rằng nụ hôn làm cân bằng hệ thần kinh và ngăn ngừa stress. Những người hay hôn nhau thường là những người lạc quan, họ tin tưởng ở khả năng của mình và thường là những người thành công. Hôn nhau – đấy là một sự tổng hợp của những phản ứng hóa học phức tạp. Trong nụ hôn của hai người yêu nhau có một sự trao đổi khoảng 7 mg chất béo, 0,7 mg protein, 0,45 các loại muối khác nhau. Ngoài ra, khi hôn nhau, từ miệng này qua miệng kia có sự trao đổi qua lại của khoảng 200 tụ cầu khuẩn, khuẩn streptococcus và vô vàn các loại khuẩn khác, 95 % số khuẩn này là vô hại.
Từ điển Britannica định nghĩa nụ hôn như sau: “Hôn là sự chuyển động nhẹ nhàng của bờ môi trên môi, má, tay hoặc chân của người khác, thể hiện sự cảm tình, sự thích thú, sự kính trọng hoặc sự quyến rũ tình dục”.
Thời xưa ở châu Âu, người theo đạo thiên chúa hôn nhau mỗi khi gặp mặt. Thời trung cổ người ta hôn nhau sau khi đã thống nhất với nhau ứng viên để phong tước hiệp sĩ. Ở Babylon cổ đại, những người hôn nhau công khai bị hình phạt rất nặng. Phụ nữ hôn nhau để người khác nhìn thấy sẽ bị cắt tai còn đàn ông bị cắt môi trên. Thế kỷ XVIII, khi châu Âu tràn lan bệnh dịch hạch, bệnh điên, bệnh giang mai thì các bác sĩ khuyên bệnh nhân: “Không bao giờ hôn môi với những người mà bạn chưa biết rõ lai lịch”.
Nhà triết học Platon gọi hôn là “một cuộc trao đổi giữa hai tâm hồn”. Còn các bác sĩ ngày nay gọi nụ hôn là một dạng co thắt có đến 29 cơ bắp lớn và nhỏ tham dự. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng những người thường xuyên hôn nhau thì ít khi bị các bệnh dạ dày, sỏi mật, hệ tuần hoàn và ngủ tốt hơn. Hôn ngăn chặn sự hình thành các nếp nhăn và làm cho các cơ mặt co giãn tốt hơn bất kỳ sự xoa bóp hay mỹ phẩm nào.
Khi người ta hôn nhau nhịp tim đập nhanh. Hơn nữa, tần số nhịp đập khi được kích thích có thể tăng gấp đôi. Huyết áp giảm. Đôi môi mọng, mềm mại và có màu hồng. Chính vì thế, bờ môi hồng được coi là biểu tượng của tình dục chín. Trong mỗi lần hôn – môi lên môi – có đến hơn ba chục cơ bắp tham gia. Bởi thế, hôn là tốn ca-lo. Mỗi nụ hôn kéo dài 3 phút tốn 12 ca-lo. Có ý kiến cho rằng hôn là mất vệ sinh. Hoàn toàn không phải vậy! Bạn đừng sợ gì những vi khuẩn có vẻ như được truyền qua việc hôn nhau. Trong 13 thử nghiệm hôn với người tình bị cảm cúm chỉ có 1 trường hợp lây nhiễm. Trong mỗi nụ hôn “sở hữu” nhau có hàng triệu vi khuẩn truyền sang bạn nhưng điều đó không có nghĩa là nguy hiểm chết người. Trong nước bọt của mỗi con người có chứa các chất kháng thể có khả năng ngăn chặn mọi lây nhiễm. Ngoài ra, nước bọt có chứa androsterone - một chất kích thích ham muốn tình dục.

Kỷ lục thế giới về hôn nhau lâu thuộc về một đôi trai gái ở Chicago, Mỹ. Họ hôn nhau trong suốt 17 ngày 10 giờ 20 phút. Cứ mỗi giờ họ nghỉ 5 phút, mỗi ngày đêm nghỉ 2 tiếng để ăn uống và nghỉ ngơi. Một kỷ lục độc đáo là hôn nhau 2 phút 18 giây ở dưới nước thuộc về một đôi người Nhật. Một người Anh trong 8 giờ đồng hồ hôn 4.444 phụ nữ. Một người Mỹ năm 1990 cũng trong 8 giờ đồng hồ đã hôn được 8001 người, nghĩa là cứ 3,6 giây hôn một người (bất kể đàn ông, phụ nữ). Lần đầu tiên trong điện ảnh, hai diễn viên May Ervin và C. Rice đã hôn nhau suốt 30 giây trong bộ phim “Nụ hôn” của Thomas Edison năm 1896. Nụ hôn dài nhất trong điện ảnh là của Regis Toomey và Jane Wyman trong bộ phim Yоu’re in the Army Nоw (Anh bây giờ đang ở trong quân ngũ, năm 1940).


Tình yêu của đàn ông và phụ nữ

*Ai đấy từng nói rằng: hãy làm việc có vẻ như bạn không cần tiền bạc, hãy yêu có vẻ như không bao giờ có ai làm cho bạn đau đớn cả, hãy khiêu vũ có vẻ như không có một ai nhìn, hãy hát có vẻ như không một ai nghe, và hãy sống có vẻ như thiên đường là ở trên mặt đất…
Suy cho cùng, tình yêu hoặc lòng căm thù của bạn chẳng hề làm thay đổi được những người xung quanh bạn, nhưng chúng giúp bạn thay đổi được chính mình, và đấy là điều quan trọng nhất!
*Tình yêu – đó không phải tìm được một người mà bạn có thể sống cùng mà là tìm được một người, mà nếu thiếu người này thì bạn không thể sống được trên đời này.
*Trong tình yêu phụ nữ là những nhà chuyên nghiệp, còn đàn ông là những kẻ nghiệp dư.
*Phụ nữ cám ơn tình yêu, còn đàn ông đòi hỏi sự cảm tạ.
*Đàn ông đã 50% yêu người phụ nữ đang lắng nghe anh ta nói.
*Gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt.
*Yêu tất cả phụ nữ thì dễ dàng hơn là yêu một người duy nhất.
*Khi ta tin tưởng ở tình yêu của một người phụ nữ thì ta quan tâm đến vẻ đẹp của người này, còn khi ta nghi ngờ ở trái tim của người thì ta không còn suy nghĩ về gương mặt.
*Phụ nữ yêu người thất bại, nhưng rồi phụ bạc họ với người chiến thắng.
*Phụ nữ không hề khổ vì sự bạo ngược của đàn ông mà vì sự hờ hững.
*Đừng tiếp nhận một cách nghiêm túc lời: “em yêu anh”. Nó không có ý nghĩa nhiều hơn lời “sẵn sàng” của vận động viên đứng trên vạch xuất phát.
*Phụ nữ yếu đuối hơn tất cả khi yêu, và mạnh mẽ hơn tất cả khi được yêu.
*Phụ nữ không muốn nghe thiên hạ nói về tình cảm của mình nhưng muốn để cho tất cả biết rằng cô ta là người được yêu thương nhất.
*Nếu phụ nữ yêu bạn, thì về bản chất, người được yêu – không phải bạn. Nhưng cái người không được nàng yêu – chính là bạn.
*Đàn ông ít khi hấp dẫn với những gì mà phụ nữ dùng để quyến rũ họ. 
*Đối với đàn ông thì không có gì khó chịu hơn là lời hứa yêu anh ta “mãi mãi”, trong khi đàn ông muốn giá mà được yêu chỉ một thời gian.
*Sai lầm chính của đàn ông chúng ta không phải là ở chỗ chúng ta tin rằng có vẻ như phụ nữ yêu chúng ta mà là chúng ta tin rằng có vẻ như ta yêu họ.
*Phụ nữ không bao giờ coi người đàn ông yêu cô ta là một người rất thông minh.
*Người phụ nữ mà ta yêu – đó là người mà ta có thể làm cho nhiều đau đớn.
*Đàn ông có thể hạnh phúc với bất kỳ người phụ nữ nào, chỉ với một điều là nếu anh ta không yêu người đó.
*Người phụ nữ luôn luôn là một sự hy sinh nếu cho nàng cơ hội thích hợp. Đối với phụ nữ đấy cách ưa thích để vui lòng mình.
*Phụ nữ luôn cảm thông với những vết thương mà không phải do mình gây ra.
*Phụ nữ không yêu những anh hùng mà là những người chiến thắng.
*Không gì có hại cho tình yêu bằng óc hài hước có thừa  ở phụ nữ nhưng lại thiếu nó ở đàn ông.
*Người đàn ông hoàn toàn thất vọng ở phụ nữ thì sẽ còn thử nữa.
*Sau cuộc hôn nhân thất bại, đàn ông sẽ sống cô đơn còn phụ nữ sẽ đi lấy chồng khác.


Về tình yêu và cuộc sống

*Tình như cơn gió… Bạn không nhìn thấy, nhưng cảm thấy nó…
*Đôi khi người ta chết vì tình, đôi khi tình yêu không cảm thấy ý nghĩa của cuộc đời là sống tiếp…
*Anh biết kiếm đâu ra bài ca về tình yêu và về số phận mà không một ai có thể đoán được rằng đấy là bài hát về em…
*Người ta quên tình yêu sau 2 tháng, quên tình yêu lớn sau 2 năm, còn tình yêu chân chính thay đổi cả cuộc đời của bạn.
*Nếu đàn ông nhìn rất lâu-rất lâu vào đôi mắt của bạn, thì bạn có quyền tin chắc chắn rằng người này đã nhìn ngắm kỹ khắp cơ thể của bạn rồi.
*Tình yêu đầu cần một chút dại dột và một chút tò mò. 
*Để hiểu ra giá trị của một năm, hãy đi nói chuyện với những sinh viên không qua được kỳ thi ở trường Đại học.

*Để hiểu ra giá trị của một tháng, hãy đi nói chuyện với người mẹ vừa đẻ non.
*Để hiểu hết giá trị của một tuần, với người biên tập tuần báo hãy chuyện trò.
*Để hiểu ra giá trị của một giờ, hãy trò chuyện với những người yêu nhau đang chờ phút giây gặp mặt.
*Để hiểu hết giá trị của một phút, hãy nói chuyện với kẻ vừa bị nhỡ tàu.
*Để hiểu hết giá trị của một giây, hãy nói chuyện với người vừa suýt để xe lao xuống vực.
*Để hiểu hết giá trị của một khắc, hãy nói chuyện với vận động viên thể thao vừa giành huy chương bạc trong kỳ Olympic. 
*Nếu bạn muốn đóng một con thuyền thì đừng đi tập hợp người cho đông để họ đi lấy gỗ, cũng đừng đi phân công nhiệm vụ, mà tốt hơn hết là hãy biết cách đánh thức trong họ nỗi buồn nhớ về biển cả bao la (Antoine de Saint-Exupery).

*Đem đóng cửa trước mọi sai lầm thì chân lý cũng không thể nào bước vào được (Rabindranath Tagore). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét