Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

Giai thoại hay nhất - P. 15



Tình Yêu trong đời là quí giá nhất


Ngày xửa ngày xưa trên trái đất này có một hòn đảo, nơi cư ngụ tất cả mọi giá trị tinh thần. Nhưng có một hôm chúng bỗng nhận ra rằng hòn đảo đang chìm dần vào nước biển. Tất cả mọi giá trị ấy leo lên thuyền vào đất liền lánh nạn. Trên hòn đảo chỉ còn một mình Tình Yêu ở lại. Tình Yêu đợi chờ đến giây phút cuối nhưng đến lúc hiểu ra là đã không còn gì để đợi thì mới quyết định ra đi.
Tình Yêu nhờ Giàu Có cho mình đi theo nhưng Giàu Có trả lời: “Trên thuyền của ta có quá nhiều vàng bạc nên không còn chỗ để cho em”. Khi đó Tình Yêu nhờ Nỗi Buồn thì Nỗi Buồn cũng nói: “Xin lỗi nhé, Tình Yêu, ta buồn nên lúc nào cũng cần sự cô đơn”. Tình Yêu bèn nhờ xin Hãnh Diện nhưng Hãnh Diện trả lời rằng sợ Tình Yêu làm mất đi sự hài hòa ở trên thuyền. Hỏi sang nhờ Hân Hoan thì Hân Hoan mải mê với Vui Mừng nên không nghe ra lời khẩn khoản. Tình Yêu hoàn toàn tuyệt vọng…
Bỗng nhiên Tình Yêu nghe một giọng nói từ phía sau: “Nào Tình Yêu, em hãy theo ta!” Tình Yêu quay lại thấy một ông già. Ông già này chở Tình Yêu vào đến đất liền rồi lại quay ra biển. Sau đấy, Tình Yêu sực nhớ là mình quên hỏi tên cái người đã giúp. Khi đó Tình Yêu hỏi Nhận Thức:
– Nhận Thức có biết là ai đã giúp cho em không? Cái ông già kia là ai vậy?
Nhận Thức trả lời:
– Đấy là Thời Gian.
– Thời Gian? – Tình Yêu hỏi lại – thế tại sao Thời Gian lại giúp em?
Nhận Thức vừa trả lời Tình Yêu, vừa bơi đi theo ông già lúc nãy:
– Bởi vì chỉ có Thời Gian biết rằng Tình Yêu trong đời là quí giá nhất! …
…………………………………………………………………… 



Một hôm Điên Rồ mời bạn bè đến nhà mình uống nước. Tất cả mọi người đều đến vui vẻ. Họ cùng ăn bánh ngọt, uống trà atisô và hát hò. Sau đó Điên Rồ đề nghị mọi người cùng chơi trò ú tim: “Tôi đếm đến một trăm, còn các bạn hãy chạy trốn. Người nào bị tìm ra đầu tiên lại sẽ tiếp tục đếm đến một trăm”. Tất cả đồng ý, chỉ trừ Sợ Hãi và Lười Nhác.
– Một, hai, ba… – Điên Rồ bắt đầu đếm.
Tất cả chạy đi trốn. Hân Hoan chạy trốn ra vườn. Nỗi Buồn ngồi khóc cho kiếp phù sinh. Ghen Tỵ chạy đến bên Vui Mừng đang nấp sau vách đá dựng. Tuyệt Vọng thấy mất hết niềm tin khi Điên Rồ đếm đến gần số 99.
– Một trăm! – Điên Rồ kêu lên – Tôi đi tìm!
Người đầu tiên bị tìm ra là Tò Mò. Tay này đang ghé mắt nhìn xem ai sẽ bị bắt đầu tiên. Sau đó Điên Rồ tìm thấy Nghi Ngờ vắt vẻo trên bờ giậu, đang lưỡng lự không biết nên trốn về phía nào…
Tất cả đã bị tìm ra. Và Tò Mò bỗng hỏi:
– Thế Tình Yêu ở đâu?
Tất cả chạy đi tìm Tình Yêu. Điên Rồ chạy đi xa nhất và đến lúc lạc vào một khu vườn ngát hương. Trong một bụi cây có tiếng ồn. Điên Rồ khẽ rung một cành hồng thì bỗng có tiếng kêu. Đấy là Tình Yêu. Tình Yêu bị gai hoa hồng đâm vào mắt. Điên Rồ cuống quít, gãi đầu gãi tai rồi quì xuống xin tha thứ. Sau đó, Điên Rồ hứa với Tình Yêu rằng sẽ mãi mãi đi bên nàng. Và Tình Yêu đồng ý.
Kể từ ngày đó cho đến bây giờ, Tình Yêu mù quáng luôn đi cùng với Điên Rồ.

Thần tình yêu và Tâm hồn

Ngày xưa ở xứ sở nọ có một ông vua và hoàng hậu sống với nhau
rất hạnh phúc. Họ có ba cô con gái xinh đẹp mà cô út – tên là Tâm hồn – có sắc đẹp vượt xa sắc đẹp của Thần Vệ Nữ.
Điều này đã làm cho Thần Vệ Nữ rất bực tức và quyết định sẽ trừng phạt cô gái người trần mắt thịt kia. Thần Vệ Nữ cho gọi con trai của mình – Thần Tình yêu – và bảo chàng: “Con hãy làm sao cho Tâm hồn yêu một kẻ hèn mạt nhất và suốt đời bất hạnh với hắn ta”.
Thần Tình yêu bay đi thực hiện điều mẹ chàng ra lệnh nhưng tất cả lại xảy ra không như mong muốn của  Thần Vệ Nữ. Nhìn thấy Tâm hồn, Thần Tình yêu vô cùng kinh ngạc bởi vẻ đẹp của nàng cũng như dáng vẻ của một công chúa mà không còn nghi ngờ gì nữa, tình yêu đối với nàng đã bao trùm lấy con tim của vị thần tình ái. Thần quyết định rằng người đẹp phải trở thành vợ mình và Thần đã làm cho tất cả các chàng trai khác phải rời bỏ nàng.
Còn nhà vua và hoàng hậu cứ băn khoăn một điều: hai cô chị đều đã đi lấy chồng thế mà Tâm hồn dù có đẹp xinh như hương trời sắc nước vẫn sống với cha mẹ mà không thấy một chàng trai nào giạm hỏi.
Nhà vua đem chuyện này th­ưa với một nhà tiên tri, còn nhà tiên tri này (theo lời của Thần Tình yêu) nói rằng công chúa có một số phận không bình thường. Nhà tiên tri nói rằng vua về mặc áo c­ưới cô dâu cho công chúa rồi dẫn nàng lên đồi cao chờ một chàng rể mà công chúa chư­a biết mặt.
Cả vua và hoàng hậu đều tỏ ra lo lắng và buồn phiền như­ng không dám trái ý thần thánh nên họ đã làm theo lời của nhà tiên tri.
Nàng công chúa tội nghiệp trong bộ áo c­ưới cô dâu một mình trên đỉnh đồi với một nỗi sợ hãi không biết điều gì sẽ xảy ra với mình. Bỗng nhiên một cơn gió nhẹ bao trùm lấy Tâm hồn, mang nàng từ trên đỉnh đồi trơ trọi xuống giữa thung lũng xanh và đặt nàng lên thảm cỏ. ở gần đó có một cánh rừng, trong rừng cây có một cung điện bằng đá cẩm thạch. Nhận thấy rằng không có gì nguy hiểm xảy ra với mình, công chúa đã đến gần để xem cung điện. Cửa chính tự mở ra trư­ớc mặt công chúa và nàng rụt rè bư­ớc vào trong cung điện.
Chưa bao giờ công chúa được nhìn thấy toà lâu đài nguy nga tráng lệ như thế. Những bức tường được dát vàng và bạc, trần nhà được làm bằng ngà voi, còn sàn nhà, nơi nàng giẫm chân lên, được ghép bằng đá quí.
Một giọng nói từ đâu đó vang lên: “Xin chào công chúa xinh đẹp! Nàng hãy là người chủ của cung điện này”. Suốt cả ngày Tâm hồn đi dạo trong cung điện nhưng không thể nào đi hết được tất cả các phòng. Những người đầy tớ vô hình đã hộ tống công chúa và thực hiện những điều nàng mong muốn.
Buổi chiều, khi đã mệt, Tâm hồn lên giường nằm ngủ thiếp đi và Thần Tình yêu cũng nằm xuống bên nàng. Tâm hồn không nhìn thấy mà chỉ cảm thấy có người chồng chưa biết mặt, tuy vậy nàng đã yêu chàng tha thiết. Buổi sáng, trước khi bình minh xuất hiện Thần Tình yêu đã ra đi và lại trở về trong đêm tối.


Tâm hồn vô cùng hạnh phúc sống trong lâu đài tráng lệ với người chồng của mình, cho dù người đó nàng chưa biết mặt. Chỉ một điều làm cho nàng lo lắng: nàng biết rằng cha mẹ và các chị của nàng đang đau khổ vì nghĩ rằng nàng đã chết.
Một lần, trong đêm, Tâm hồn nói với Thần Tình yêu: “Chồng yêu dấu của em! Em không thể nào yên tâm và sống hạnh phúc bên anh khi mà cha mẹ em đang sống trong đau khổ vì em. Cho phép em được báo tin cho cha mẹ rằng em còn sống và mạnh khoẻ”. Nhưng Thần Tình yêu trả lời: “Tốt nhất em đừng làm điều này kẻo lại rước về tai hoạ”.
Tâm hồn không dám đòi hỏi nhưng từ hôm đó nàng trở nên trầm tư, buồn bã cho dù chồng có âu yếm hết lời. Còn Thần Tình yêu không chịu nổi cảnh khi nhìn thấy vợ mình buồn bã, chàng nói: “Ta sẽ thực hiện điều mong muốn của em. Em sẽ gặp lại các cô chị của em nhưng hãy coi chừng họ có thể khuyên em làm điều dại dột”.
Chàng sai Thần gió đi đón các chị gái của Tâm hồn và họ được đưa đến cung điện. Nhìn thấy cô em gái còn sống và khoẻ mạnh họ vô cùng mừng rỡ. Nhưng khi Tâm hồn kể cho họ nghe rằng nàng vô cùng hạnh phúc và dẫn họ đi quanh cung điện, chỉ cho họ thấy sự giàu có của mình thì trong lòng các cô chị trỗi dậy điều ghen tỵ.
Khi các cô chị hỏi về người chồng thì Tâm hồn đã hồn nhiên trả lời rằng chồng của nàng tốt bụng, luôn dịu dàng và có lẽ còn rất trẻ nhưng nàng không khẳng định được điều này vì chồng chỉ đến với nàng trong đêm tối. Nghe xong những điều này thì các cô chị lại càng ghen hơn nữa bởi trong số họ một người có ông chồng già và đầu hói trọc như quả bí ngô còn người kia có chồng bị bệnh thấp khớp co quắp lại, suốt ngày bôi thứ thuốc mỡ hôi hám.
Trở về nhà các cô chị thậm chí không nói cho cha mẹ biết rằng Tâm hồn còn sống khoẻ mạnh mà lại đi nghĩ ra mưu kế hòng chiếm đoạt hạnh phúc của cô em…
Sau một thời gian Tâm hồn lại muốn được gặp các cô chị và cũng như lần trước, họ lại được Thần gió mang đến cung điện.
Vừa nhìn thấy Tâm hồn các cô chị với vẻ mặt đau khổ đã kêu lên: “Thật là tai hoạ cho em. Chồng em là một con rắn ác độc và kinh tởm. Những người dân ở đây đã nhiều lần nhìn thấy nó bò qua sông rồi vào trong cung điện. Em hãy coi chừng! Một ngày nào đó nó sẽ cắn em và em sẽ chết một cái chết khủng khiếp”. Rồi cả hai người cùng khóc nức nở.
Khi đó Tâm hồn hoảng sợ hỏi hai cô chị: “Thế em phải làm gì bây giờ?” Hai cô chị nói: “Em hãy giấu vào dưới chăn một con dao sắc và đêm đến, khi nó vào giường em hãy giết nó đi”. Thế rồi hai cô chị nham hiểm trở về nhà, bỏ lại cô em trong sợ hãi và đau khổ.
Sau khi hoàn hồn lại Tâm hồn tỏ ra nghi ngờ những lời các cô chị và nàng quyết định trước khi giết chồng phải nhìn rõ mặt để xem có đúng chồng mình là con rắn ác độc và kinh tởm như lời các cô chị hay không. Nàng giấu một ngọn đèn ở dưới gối.


Đến đêm, như thường lệ, Thần Tình yêu đến với Tâm hồn. Khi chàng ngủ thiếp đi Tâm hồn lặng lẽ châm đèn và lặng đi vì sợ hãi nhìn lên người chồng của mình. Nhưng nàng đã vô cùng sung sướng khi thay vì con rắn ác độc và kinh tởm nàng nhìn thấy thiên thần đôi cánh bạc.
Cánh tay của Tâm hồn run run, ngọn đèn nghiêng xuống và một giọt dầu nóng rơi xuống vai người chồng đang ngủ. Ngay lập tức Thần Tình yêu tỉnh dậy. Nhìn thấy Tâm hồn với cây đèn trong tay, chàng kêu lên trong giận dữ và đau đớn: “Em đã nghe theo lời xui của các cô chị, đã giết chết hạnh phúc của chúng mình. Ta có thể trừng phạt em một cách nghiệt ngã nhưng ta chỉ trừng phạt em bằng sự xa cách với ta”. Nói xong Thần Tình yêu vỗ cánh bay đi.
Tâm hồn còn lại một mình suốt ngày chỉ biết khóc và thầm nguyền rủa sự nông nỗi, cả tin của mình. Sau đó nàng từ giã cung điện nguy nga kia để lên đường đi tìm kiếm người chồng yêu dấu.
Còn Thần tình yêu thì đã bay về cung điện của Thần Vệ Nữ. Bờ vai bị bỏng càng đau thêm khiến chàng kêu lên đau đớn.
Thần Vệ Nữ giận đứa con của mình vì không hỏi ý mẹ đã cưới cho mình cô gái mà Nữ Thần mong cho điều ác nhưng Nữ Thần tức giận Tâm hồn còn nhiều hơn nữa. Nữ Thần cấm các thiên thần và người trần giúp đỡ cô gái bất hạnh kia, cấm không được ai che chở hoặc an ủi Tâm hồn.
Còn Tâm hồn sau một thời gian dài phiêu bạt kỳ hồ, từ chối biết bao người, cuối cùng nàng cũng đến được cung điện của Thần Vệ Nữ.
Nữ Thần đón Tâm hồn bằng những lời chửi rủa và nhạo báng. Cho rằng Tâm hồn chỉ đáng làm một người hầu, Nữ Thần đã sai lấy hạt kê, đại mạch, hạt anh túc và đậu ván trộn lẫn vào nhau trong một thúng to rồi sai Tâm hồn phải nhặt chúng ra từng loại.
Tâm hồn chỉ biết ngồi khóc vì công việc không biết đến bao giờ mới xong nhưng có một chú kiến đã tỏ lòng thương. Kiến về gọi cả đàn ra và chỉ trong giây lát đã làm xong việc mà Nữ Thần giao.
Khi đó Nữ Thần ra lệnh cho Tâm hồn đi vào rừng, nơi có bầy cừu lông vàng đang gặm cỏ để lấy lông của chúng mang về. Nhưng bầy cừu rất dữ và hay đánh nhau, không cho ai đến gần mình. Tâm hồn chỉ biết đứng bên bờ suối, không dám đến gần bầy cừu đang gặm cỏ.
Bỗng có tiếng xào xạc rồi một cây sậy bên bờ suối lên tiếng: “Con hãy đợi đến giữa trưa, khi đó bầy cừu sẽ ngủ thì con đi vào rừng và sẽ thấy có rất nhiều lông bị mắc lại trên những bụi cây”. Tâm hồn làm theo lời khuyên của cây sậy và đã mang về cho Thần Vệ Nữ một bó lông cừu vàng.
Nhưng Thần Vệ Nữ vẫn chưa hài lòng và ra lệnh cho Tâm hồn phải lấy một bình nước nguồn từ con suối trên đỉnh vách đá cao dựng đứng.
Khi Tâm hồn ôm chiếc bình pha lê đứng dưới chân vách đá nhìn lên tuyệt vọng thì có một con đại bàng bay ngang qua. Đại bàng chộp lấy bình pha lê rồi bay lên đỉnh vách đá múc đầy bình nước nguồn xuống trao cho Tâm hồn.


Thần Vệ Nữ tức giận, nghĩ ra một việc mới, bắt Tâm hồn đi xuống âm phủ, vào vương quốc Thần chết hỏi xin Ngài một cái hòm, không được mở ra rồi mang về cho Thần Vệ Nữ.
Nàng công chúa bất hạnh nghĩ rằng thà chết còn hơn là đi làm việc này. Nàng leo lên một cái tháp cao để nhảy xuống tự tử. Vẻ đau đớn của nàng đã làm cho những viên đá trên tháp tỏ lòng thương xót. Những viên đá này lên tiếng an ủi Tâm hồn và chỉ cho nàng con đường đi xuống âm phủ, bảo nàng hãy cho người lái đò qua con sông ngăn cách cõi dương thế và âm phủ hai đồng tiền và ném cho con chó canh cổng âm phủ hai miếng bánh mỳ.
Thần chết trao cho Tâm hồn một chiếc hòm. Nàng nhớ rằng Thần Vệ Nữ đã dặn nàng không được mở ra nhưng nàng đã không kiềm chế được sự tò mò. Vừa bước chân lên cõi trần gian nàng liền mở nắp đậy chiếc hòm. Trong chiếc hòm này là một giấc ngủ giống như cái chết. Một làn khói đen bao trùm lấy Tâm hồn, nàng ngã xuống đất và ngủ thiếp đi.
Lúc này vết bỏng trên vai Thần Tình yêu cũng đã lên da, cả cơn đau và cơn giận Tâm hồn cũng đã đi qua. Chàng bay đi tìm vợ và tìm thấy nàng đang ngủ say. Chàng đánh thức nàng bằng một nụ hôn nồng thắm. Tâm hồn kể cho chồng nghe về những chuyện mà Thần Vệ Nữ đã làm đối với nàng. Chàng hứa với vợ rằng từ nay sẽ không bao giờ xảy ra điều đó nữa. Chàng bay đến Thần Dớt nhờ ngài hoà giải mẹ và vợ mình.
Thần Dớt cho gọi Thần Vệ Nữ: “Con gái của ta! Con chớ buồn phiền rằng con trai của con đã chọn cho mình người vợ không phải là thần tiên mà người trần mắt thịt. Ta sẽ ban cho nàng sự bất tử và nàng sẽ trở thành tiên”. Nói rồi Ngài rót đầy một cốc nước tiên đưa cho Tâm hồn uống.
Từ đó Tâm hồn trở thành tiên như người chồng của mình. Các vị thần ngợi ca sắc đẹp và phẩm hạnh của nàng. Thần Vệ Nữ cũng đành hoà giải và nhận Tâm hồn là con dâu của mình.
Sau này vợ chồng Thần Tình yêu và Tâm hồn sinh một đứa con gái có tên là Hạnh Phúc. Câu chuyện về Thần Tình yêu và Tâm hồn đã trở thành đề tài của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật – thơ, ca, nhạc, hoạ, kịch và điêu khắc.


Còn nếu như bạn đã từng đọc tiểu thuyết Con lừa vàng thì câu chuyện này được biên soạn từ tác phẩm nói trên. Câu chuyện này có nguồn gốc Hy Lạp nhưng trở thành nổi tiếng qua tác phẩm của nhà văn La Mã (thế kỉ thứ 2) – Apuleius. Nhân vật của tiểu thuyết là một bà ở, trước khi kể chuyện này đã nói: “Tôi biết nhiều câu chuyện hay của ngày xửa ngày xưa… ”. Như vậy, Apuleius muốn nối đến nguồn gốc dân gian của câu chuyện về Thần tình yêu và Tâm hồn.
Apuleius gọi các vị thần bằng tên La Mã: Amour, Venus, Jupiter... nhưng tên Psyche – từ tiếng Hy Lạp – nghĩa là “Tâm hồn”. Sau này câu chuyện Thần Tình yêu và Tâm hồn được người đời giải thích ngụ ý nói về sự phiêu du của tâm hồn con người khát khao được hòa nhập với tình yêu làm một.


  Chuyện kể bằng hình ảnh


Thần ái tình

Nhà triết học Platon trong đối thoại triết học “Bữa tiệc” của mình đã viết về nguồn gốc của tình yêu như vậy:
“Ta nghĩ rằng con người hoàn toàn không nhận thức được sức mạnh của tình yêu, vì rằng nếu họ nhận thức được thì đã lập đền thờ và dâng đồ tế lễ, thế mà người ta đã không làm gì cả, mặc dù điều này cần làm trước tiên. Bởi vì – Thần ái tình là vị thần yêu con người nhất, giúp cho con người chữa lành bệnh, mà điều này đối với loài người là hạnh phúc lớn nhất. Chính vì thế, ta cố gắng giải thích cho các người sức mạnh của Thần ái tình, và sau đó sẽ làm thầy cho kẻ khác.
Trước tiên ta cần biết về bản chất của con người và những gì mà nó đã phải chịu đựng. Thuở xưa bản chất của ta không như bây giờ mà hoàn toàn khác. Đầu tiên, con người có ba giống, không phải hai giống như bây giờ – đàn ông và phụ nữ, vì còn có một giống thứ ba kết hợp trong mình những dấu hiệu của hai giống kia; bây giờ nó đã biến mất, chỉ còn lại tên gọi – androgyne (lưỡng tính), nó kết hợp trong mình những đặc tính của cả đàn ông và phụ nữ. Ngoài ra, thân thể của tất cả có hình tròn, lưng và ngực không khác gì nhau, có bốn tay và bốn chân và mỗi người trên cổ hình tròn có hai khuôn mặt hoàn toàn giống nhau nhìn ra hai phía trái ngược, hai đôi tai, hai bộ phận kín, những gì còn lại có thể hình dung qua những điều đã nói trên. Con người như thế đi lại hoặc là đi thẳng như ta bây giờ, nhưng một trong hai phần về phía trước, hoặc nếu vội thì lăn như bánh xe, điều này cho phép con người chạy nhanh về phía trước. Đã từng có ba giống là vì giống đực có nguồn gốc từ mặt trời, giống cái có nguồn gốc từ đất, còn giống thứ ba – từ mặt trăng, vì mặt trăng kết hợp cả hai. Còn về hình cầu của những sinh vật này và sự đi lăn thì giống với tổ tiên của họ. Bằng sức mạnh khủng khiếp của mình họ nuôi những ý nghĩ to lớn và thậm chí xâm phạm đến cả quyền lực của các vị thần mà Homer nói về Ephialtes và Otus, tức là nói về họ: trèo lên trời để tấn công các vị thần.
Và thế là thần Dớt cùng các vị thần khác mới họp bàn để tìm cách đối phó nhưng không biết bằng cách nào; giết họ bằng tiếng sấm, giết loài người như những kẻ khổng lồ trước đây thì các vị thần sẽ không còn cống vật và sự tôn kính của con người nhưng hoà giải với những kẻ nổi loạn như vậy thì cũng không xong. Cuối cùng thần Dớt cũng nghĩ ra một điều và nói:
– Ta có lẽ đã tìm ra cách để giữ lại loài người và chấm dứt sự nổi loạn bằng cách giảm sức lực của chúng. Ta sẽ cắt đôi chúng thành hai nửa; thứ nhất, chúng sẽ yếu hơn, thứ hai, ta sẽ có lợi hơn vì số lượng sẽ nhiều gấp đôi. Và chúng sẽ đi thẳng trên hai bàn chân. Còn nếu như chúng lại vẫn tiếp tục nổi loạn – Ngài nói – thì ta lại tiếp tục xẻ đôi một lần nữa cho chúng chỉ còn nhảy trên một bàn chân.
Nói xong, Ngài cắt con người ra làm đôi như bổ quả táo hay quả trứng.
Bởi thế, mỗi chúng ta – là một nửa của con người bị cắt làm đôi, và bởi thế mỗi con người luôn đi tìm nửa còn lại của mình. Đàn ông là một nửa của sinh vật kia say mê đi tìm phụ nữ, đa số họ thuộc giống này còn phụ nữ đam mê và phóng đãng với đàn ông.
Một số phụ nữ không thật sự ham muốn đàn ông mà hấp dẫn phụ nữ nhiều hơn và những người đồng tính thuộc giống này. Tuy nhiên, một số đàn ông vẫn ham mê những gì thuộc đàn ông: từ tuổi ấu thơ, là những sinh vật giống đực, họ thích nằm và ôm ấp những người đàn ông.


Một khi nào, một người nào mà gặp một nửa của mình thì cả hai bên đều tràn ngập một thứ tình cảm quyến luyến và tha thiết đượm tình yêu. Người ta không muốn rời nhau dù nửa bước. Những người sống với nhau suốt đời cũng không biết được rằng họ cần gì ở nhau, bởi lẽ không thể khẳng định rằng chỉ vì thoả mãn sắc dục mà người ta khát khao nhau đến vậy. Rõ ràng tâm hồn của mỗi người muốn một cái gì đó khác, cụ thể là cái gì không thể nói mà chỉ đoán một cách lờ mờ, bóng gió về ước muốn của mình. Và giá như Thần Lửa hiện ra trước mặt họ khi họ nằm bên nhau, Thần sẽ giơ vũ khí ra và hỏi: “Con người, các ngươi cần gì ở nhau?”  – sau khi thấy họ khó trả lời, Thần sẽ hỏi tiếp: “Có lẽ các ngươi muốn ở bên nhau thật lâu và không muốn rời nhau cả đêm cũng như ngày? Nếu các ngươi mong muốn như vậy thì ta sẵn sàng làm cho hai người thành một, một khi các ngươi còn sống, sẽ sống một cuộc đời chung, còn khi chết, dưới âm phủ sẽ là một xác chết thay vì hai, vì rằng hai người chết một cái chết chung. Chỉ có điều hãy nghĩ cho kỹ có phải các người khao khát điều này không, các ngươi liệu có bằng lòng nếu điều đó xảy ra?” Ta tin tưởng rằng mỗi người đều không từ chối lời đề nghị như vậy, nhưng vẫn biết rằng ta đã nghe cái điều mà từ lâu ta mơ ước, lòng khát khao mãnh liệt được hoà nhập với người ta yêu làm một. Nguyên nhân của điều này là nguồn gốc ban đầu của chúng ta.
Bởi thế, tình yêu là sự khát khao hướng tới sự toàn vẹn. Từ xa xưa hai chúng ta là một, còn bây giờ chỉ vì dại dột mà chúng ta bị làm cho cách biệt”.


Tình yêu

Nhà thần học, nhà văn Osho viết:
“Đừng dành dụm tình yêu của bạn và đừng tính đếm. Đừng hà tiện. Bạn sẽ đánh mất tình yêu. Ngược lại, hãy để cho tình đâm hoa kết trái, hãy chia sẻ, hãy phân phát tình, hãy để cho tình lớn lên”.
Một ông vua có ba đứa con trai và ông vua này muốn chọn một người thừa kế. Đấy là việc vô cùng khó, bởi cả ba người đều khôn ngoan, dũng cảm và tài hoa. Họ lại là những người anh em sinh ba – cùng một tuổi. Nhà vua đem chuyện này hỏi một nhà thông thái và nhận được một lời khuyên.
Nhà vua trở về nhà, cho gọi ba đứa con. Ông trao cho mỗi người một túi hạt giống hoa và nói với họ là ông phải làm một chuyến hành hương về miền đất thánh.
– Chuyến hành hương phải mất mấy năm. Một năm, hai năm, ba năm, mà có thể còn lâu hơn. Đây sẽ là sự thử thách đối với các con. Những hạt giống này các con trả lại cho cha khi cha quay trở lại, ai người bảo quản giống tốt hơn, người ấy sẽ là người thừa kế của cha.
Và nhà vua bắt đầu chuyến hành hương về miền đất thánh.
Người con trai thứ nhất chẳng biết làm gì với túi hạt giống kia bèn đem cho vào tủ cất, để khi cha trở về những hạt giống vẫn đúng là những hạt giống mà cha trao cho ngày trước.
Người con trai thứ hai nghĩ: “Nếu ta đem cất vào tủ như người anh thì những hạt giống này sẽ hỏng. Mà hạt giống hỏng thì không còn là hạt giống”. Người này mang túi hạt giống ra chợ bán lấy tiền và nghĩ rằng: “Khi cha quay về mình sẽ ra chợ mua túi hạt giống mới, chúng sẽ tốt hơn những hạt giống của cha ngày trước”.
Còn người con trai thứ ba mang túi hạt giống ra vườn ươm, gieo những hạt này trên một vùng đất rộng.
Ba năm sau, vua cha quay trở về. Người con trai thứ nhất mở tủ ra, những hạt giống đã mốc meo. Vua cha bảo: “Đây có phải là những hạt giống mà cha đưa cho con đâu, những hạt giống kia có thể gieo thành những bông hoa và tỏa mùi hương, còn những hạt giống này có mùi thối”. Người con nhất mực phản đối, rằng đây chính là những hạt giống mà cha đã trao ngày trước, nhưng vua cha nói: “Con là người duy vật”.
Người con trai thứ hai chạy ra chợ mua một túi hạt giống mới đưa cho vua cha, nhưng vua cha bảo: “Đây là những hạt giống khác. Suy nghĩ của con quả là hay hơn, nhưng đấy không phải là phẩm chất mà cha muốn nhìn thấy ở người thừa kế. Con là một nhà tâm lý”.
Vua cha bước sang người con trai thứ ba với một niềm hy vọng, nhưng đồng thời cùng với một nỗi lo: “Không biết người con thứ ba đã làm gì?” Người này dẫn vua cha đi ra vườn, nơi có ngàn vạn bông hoa nở thắm và nói với vua cha: “Đây chính là những hạt giống mà cha đã giao cho con, đợi ít nữa hoa tàn con sẽ gom về và giao trả lại cho cha hạt giống”. Vua cha bảo: “Con là người thừa kế của ta. Với hạt giống hoa chính phải hành động là như thế!”
Những ai để dành là không hiểu cuộc đời, còn người tính toán thì cũng là người hiểu chưa thấu đáo, chỉ đầu óc sáng tạo có thể hiểu được cuộc đời. Đấy là vẻ đẹp của hoa – nó không thể nào dành dụm. Nó tượng trưng cho thần thánh – mà thánh thần thì không thể dành dụm để cho nhiều. Nó là biểu tượng của tình yêu – mà tình yêu thì không thể nào tích cóp.
Không ngẫu nhiên mà hoa là biểu tượng của tình yêu ở mọi thời đại, mọi thể chế, mọi quốc gia. Tình yêu cũng giống như hoa – nếu như tình đã nở hoa trong bạn – thì bạn cần đem chia sẻ, đem trao. Và bạn càng trao nhiều bao nhiêu thì khối tình càng lớn. Nếu bạn cứ tiếp tục đem trao tặng thì sẽ đến một ngày bạn sẽ trở thành một mạch nước nguồn không thay đổi của tình yêu.


Tình yêu là gì?

Nhà thơ Percy Bysshe Shelley trong một tiểu luận triết học về tình yêu, viết:
 “Tình yêu là gì? Hãy hỏi người đang sống: đời là gì. Hãy hỏi người đang cầu nguyện: Thượng Đế là ai.
Tôi không biết được điều gì ở trong những người khác, thậm chí ở bạn, người mà tôi đang nói cùng. Theo dáng vẻ bề ngoài, tôi thấy rằng những người này giống với tôi nhưng khi tôi quyết định tìm ra một cái gì đấy chung với tất cả mọi người và mở cõi lòng mình với họ thì hóa ra tôi đang nói bằng một ngôn ngữ mà họ không hiểu được, giống như mình bị lạc vào một xứ sở hoang vu và xa lạ. Tôi càng có thêm kinh nghiệm thì càng cảm thấy khoảng cách và càng thấy xa hơn những gì xưa đồng điệu. Đem phân chia tâm hồn ra phần rạo rực, xốn xang và phần nhu nhược, yếu hèn, bằng vẻ dịu dàng tôi đi tìm sự nhận thức nhưng chỉ gặp sự chống trả quyết liệt và chịu nếm mùi cay đắng.


Và bạn sẽ hỏi, tình yêu là gì? Đó là sự ham mê khủng khiếp đối với tất cả những gì ta hình dung ra, những gì ta sợ, những gì ta hy vọng ở bên ngoài bản thân ta, khi ta nhận ra trong mình có một khoảng trống không được thỏa mãn và ta khát khao thức dậy ở mọi người một cái điều gì chung mà ta đang chịu đựng. Nếu ta bàn luận – thì ta mong được trở thành người làm chứng; nếu ta tưởng tượng – thì ta mong sự hình dung của mình cũng sẽ nảy ra trong đầu óc người khác; nếu ta cảm xúc – thì ta muốn tâm hồn người khác sẽ rung nhịp cùng với tâm hồn này, để cho đôi mắt của ai sẽ cháy lên khi bắt gặp, và sẽ rót ánh sáng của mình vào ánh sáng này, để cho bờ môi cháy bừng bằng máu nóng của con tim ai mà không gặp phải bờ môi giá băng và bất động. Tình yêu là thế đấy. Đó là mối liên hệ và là điều bí ẩn kết gắn một con người không chỉ với một con người mà với tất cả những gì sống động. Ta đi qua cuộc đời, và từ khoảnh khắc đầu tiên có điều gì đấy ở trong ta mãnh liệt khát khao một điều gì tương tự. Điều này, có lẽ, cũng giống như con trẻ hướng về vú mẹ, ta càng lớn lên thì niềm khát khao này cũng lớn lên. Trong cái “tôi” của tâm hồn, ta mang máng nhìn ra cái bản sao tí hon của ta nhưng ta coi thường và đoán xét nó, cái hình mẫu lý tưởng mà ta có thể hình dung ra trong bản chất của con người. Không chỉ diện mạo bề ngoài mà tất cả những bộ phận cấu thành nên con người ta, tấm gương phản chiếu chỉ những hình ảnh sáng sủa và thanh khiết; hồn trong hồn ta vẽ ra thiên đàng của mình bằng một vòng ma thuật mà không cái ác hay sự buồn rầu, đau khổ nào có thể đi qua. Ta thường so sánh thiên đàng này với tất cả tình cảm của mình và ước mong tìm ra một cái gì tương tự. Đi tìm cái tương đồng của mình; đi tìm một đầu óc thông minh, biết đánh giá; tìm một sự hình dung có khả năng hiểu rõ những cung bậc tinh tế, khó nắm bắt của tình cảm mà ta nâng niu, trìu mến; một thể xác cùng biết rung một nhịp như bộ dây của hai cây đàn hòa theo giọng ca tuyệt vời của người ca sĩ; tìm ra tất cả trong một sự tương đồng, đó là điều mà tâm hồn ta khao khát – đấy là cái mục đích không nhìn ra và không thể đạt đến, là cái mà tình yêu khát khao hướng đến. Để đạt được mục đích này, tâm hồn buộc ta nắm bắt dù chỉ là cái bóng nhỏ nhoi của cái người, mà nếu thiếu, thì con tim không hề yên nghỉ. Bởi thế, khi ở trong tình trạng cô đơn hoặc trong cái hoang vắng giữa những người không hiểu ta, ta yêu cỏ, yêu hoa, yêu bầu trời, yêu dòng nước chảy. Trong cái run rẩy của chiếc lá mùa xuân, trong bầu không khí màu xanh ta tìm ra sự hoà nhịp thầm kín với con tim mình. Trong ngọn gió không lời có tài hùng biện, trong tiếng rì rào giữa những cây lau có khúc nhạc du dương êm ái và có một mối liên hệ không nhìn thấy của chúng với một cái gì đó ở trong ta, làm nảy sinh ra trong hồn ta một điều gì mừng rỡ, bao trùm lấy hơi thở; khơi ra dòng lệ thật đằm thắm, dịu dàng, giống như lòng tự hào về đất nước, quê hương hay giọng nói của người yêu dấu chỉ nói cho một mình ta. Sterne* nói rằng, giá mà ông một mình giữa bãi hoang thì có lẽ ông đã yêu một cây thông nào đấy. Khi lòng khát khao này, khả năng này chết đi thì con người sẽ trở thành một quan tài sống: chỉ còn lại cái vỏ mà trước đây đã từng có”.


Con tim rộng mở

Chuyện kể rằng vua nước Pháp Louis từng được nghe kể về một giáo sĩ của giáo phái thần bí có phép lạ, đã cứu được rất nhiều người, bèn quyết định thân hành đến ngọn núi, nơi giáo sĩ này hành đạo.
Nhà vua cải trang thành một người hành hương khắc khổ đến gõ cửa và xin gặp giáo sĩ. Người trông đền vào báo cho giáo sĩ rằng có một kẻ hành hương xa lạ muốn gặp ông. Giáo sĩ rất vui mừng, vội vàng chạy ra cổng. Họ ôm chầm lấy nhau, hôn nhau như những người bạn lâu ngày gặp lại. Họ tỏ ra như những người yêu nhau chung thủy mà không một ai nói một lời nào. Và họ cứ im lặng như vậy cho đến lúc chia tay.
Sau đấy, những người coi đèn nghe rằng người hành hương xa lạ đó chính là nhà vua nước Pháp, đã nói với giáo sĩ:
– Sao cha lại dại dột vậy, sao cha không nói gì với nhà vua muốn đến nghe cha nói?
– Các con yêu quí của ta – giáo sĩ trả lời – các con chớ ngạc nhiên rằng cả ta và nhà vua không nói với nhau một lời nào, bởi vì khi hai hai người ôm nhau thì con tim của người đó rộng mở cho ta và con tim ta – cho người đó. Cả hai người đều nhìn thấy tất cả trong tấm gương của vĩnh hằng. Sự im lặng còn nói nhiều hơn những gì muốn nói, và cả những gì không thể nói.


Tình yêu và sự mong muốn

Nhà văn Anhel de Kuate viết: “Bạn chớ nhầm lẫn tình yêu và sự mong muốn. Tình yêu – đấy là mặt trời, còn mong muốn chỉ là tia chớp. Mong muốn làm cho ta chói mắt, còn mặt trời mang lại cuộc đời. Người mong muốn sẵn sàng hy sinh, còn tình yêu chân chính không cần và không tin lễ vật. Tình yêu không lấy của người này trao cho người khác. Tình là bản chất của cuộc đời. Mà cuộc đời mình thì không trao cho người khác. Sự mong muốn cứ ngỡ như hạnh phúc nhưng thực ra là lửa đốt tâm hồn, đấy là đám cháy mù quáng và khắc nghiệt. Nếu bạn yêu thể xác – thì đấy chỉ là sự mong muốn. Tình yêu – đó là thái độ với con người chứ không phải với thể xác của nó, và đây là bí mật của tình yêu.

Cả cuộc đời ta cố gắng để tìm ra chính mình. Đấy là con đường nhọc nhằn. Nhưng còn khó khăn hơn đi tìm ánh sáng trong người khác. Đấy là điều tại vì sao tình không sinh ra ngay lập tức mà ngay lập tức chỉ xuất hiện mong muốn. Những ai không thể phân biệt được tình yêu và sự mong muốn ắt sẽ nếm mùi cay đắng. Những ai chỉ biết hy sinh – những kẻ đó không yêu. Ai không tìm ra chính mình thì không thể nào yêu được”.


Sức mạnh của tình yêu

Ngày xưa ở một làng nọ có chàng trai trẻ yêu đơn phương một cô gái đẹp nhất làng. Cô gái có quá nhiều người muốn cầu hôn nên không nhận lời ai cả.
Chàng trai quyết định phải trở thành một người mạnh mẽ và can đảm. Chàng lên đường nhập ngũ. Sau 3 năm trở về làng như một anh hùng nhưng người đẹp vẫn không thèm để ý.
Chàng trai lại quyết định phải trở thành một người giàu có vì tin rằng các cô gái dễ ngã lòng trước những món quà tặng đắt tiền. Đầu tiên, chàng làm vệ sĩ cho một thương nhân và học được ở người này nhiều điều để sau mở công ty của mình. Sau một thời gian chàng trở về làng nổi tiếng là một người giàu có. Nhưng cô gái vẫn thế, không chỉ hững hỡ với những món quà đắt tiền mà còn chỉ sang những người đàn ông khác.
Thế là chàng trai lại lên đường, chàng quyết định đi học hỏi sự không ngoan. Chàng bỏ hết hết công việc kinh doanh để đi tìm trí tuệ. Mấy năm sau lại trở về làng và nổi tiếng là một nhà thông thái. Chàng đã hiểu về cuộc đời, không còn tìm đến nhà cô gái nữa mà sống cuộc đời lặng lẽ và chia sẻ trí tuệ của mình với bạn bè.
Thời gian cứ trôi đi mà cô gái kia vẫn không chịu lấy ai cả. Đến một hôm cô chợt nhận ra là mình đã không còn vẻ đẹp như xưa và cũng chẳng còn ai muốn lấy cô làm vợ. Một hôm cô tự tìm đến nhà thông thái và hỏi rằng ông có muốn lấy cô làm vợ. Và nhà thông thái đồng ý.
Thiên hạ ngạc nhiên hỏi:
– Tại sao ông lại lấy gái già, lấy cái người mà đã từng làm cho ông bao nhiêu điều ác?
Nhà thông thái trả lời:
– Tôi chỉ nhìn thấy điều tốt đẹp. Nếu như không phải cô ta thì tôi đã không trở thành con người tôi như bây giờ.


Ba người khách

Một người đàn ông coi rừng sống với vợ và con gái trong ngôi nhà nhỏ ở trong rừng. Một buổi tối có tiếng gõ cửa. Người vợ chạy ra nhìn thấy ba người phụ nữ trùm khăn voan.
– Chúng tôi là – một người nói – May mắn, Giàu có và Tình yêu. Anh chị làm ơn cho một ngươi trong số chúng tôi vào nhà. Cho ai vào là do anh chị quyết định.
Người vợ quay vào hỏi ý kiến chồng và con gái.



– Em nghĩ là nên cho May mắn vào – người vợ nói – có may mắn thì mọi việc sẽ tốt đẹp, trôi chảy.

– Không phải – người chồng nói – đợi cho mọi việc trôi chảy thì đến bao giờ? Tốt nhất là cho Giàu có vào nhà, ta sẽ hết khó khăn ngay lập tức.
– Ôi, bố mẹ ơi – cô con gái nài nỉ – bố mẹ hãy cho Tình yêu vào nhà. Con từ lâu ước ao được gặp Tình yêu.
Cả bố và mẹ nhìn nhau, nói với nhau điều gì rồi quyết định chiều theo ý của cô con gái. Người vợ đi ra cửa và nói:
– Chúng tôi chọn Tình yêu.
Tình yêu bước vào nhà nhưng dắt tay theo cả May mắn và Giàu có.


Đối thoại với Tình yêu

Ngày xưa ở Ấn Độ có một cô gái nghèo nhưng xinh đẹp sống ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Có rất nhiều chàng trai tỏ tình nhưng cô gái đều từ chối. Một hôm, cô gái đang tưới hoa trong vườn thì có một chàng trai đi ngang qua đấy. Chàng trai bước vào vườn hoa nói với cô gái:
– Em đẹp lắm, anh chưa biết tên em và tên bố mẹ em nhưng con tim anh như muốn vỡ tung khỏi lồng ngực. Cho anh làm người yêu em. Anh sẽ tặng cho em những gì anh có thể nhưng quan trọng nhất là anh tặng cho em tình yêu.
Cô gái từ chối và chàng trai thất vọng ra đi. Lúc này có một ông già bước vào. Đôi mắt ông già ánh lên một thứ ánh sáng rất lạ lùng. Ông già bảo cô gái:
– Già xin lỗi vì đã vô tình nghe câu chuyện của hai người, già không hiểu tại sao con từ chối? Chàng trai hứa với con điều mà mọi phụ nữ trên đời đều ao ước – chàng hứa với con tình yêu.
Cô gái trả lời:
– Con không hiểu được những người phụ nữ đi tìm tình yêu mà không tìm thấy. Tình yêu ở khắp nơi. Tình ở trong những bông hoa, trên đồng cỏ, tình ở trong gió, trong mây. Con đây không cần người ta cho con tình yêu bởi vì tình yêu ở trong trái tim con. Con là một phần của Tình yêu với Thượng Đế và không cần một tình yêu nào nữa. Cứ để cho chàng trai mang tình yêu của mình tặng cho người cần đến nó.
– Con nói rằng tất cả đều là tình yêu. Con cho rằng ta đây cũng là tình yêu? Nhưng mà ta đã già, bây giờ ta chỉ suy nghĩ về cái chết.
– Vâng, già cũng là tình yêu, bởi vì ngay cả cái chết cũng là tình yêu.
Sau những lời này, cô gái cảm thấy đầu óc mình choáng váng và tựa hồ như nhìn qua màn sương, cô nhìn thấy không phải ông già mà là một người phụ nữ đẹp đứng trước mặt. Người phụ nữ nói:
– Đúng thế, ta là Tình yêu. Con nhận được tình yêu từ mọi thứ mà tay con chạm vào, mọi thứ mà mắt con nhìn thấy. Nhưng sự thử thách lớn nhất trong tình yêu – đó là cái chết thì con chưa biết đến. Có muốn không?
Cô gái trả lời:
– Vâng ạ.
Người phụ nữ cầm tay cô gái dẫn về trời. Ở đâu đấy nàng nhìn xuống thấy vườn hoa và xác của mình. Nhưng nàng đã không cần. Linh hồn nàng đi theo người phụ nữ – Tình yêu.


Con sóng và vách đá

Ngày xửa ngày xưa có một con sóng. Con sóng này thích đùa với gió và vuốt ve lên bờ đá. Một hôm con sóng này đến một vịnh chưa hề quen biết, ở đó có một vách đá cao. Con sóng kết bạn với vách đá này, chúng trò chuyện với nhau hàng giờ không biết chán. Một hôm sóng hiểu rằng mình đã yêu vách đá, còn vách đá cũng cảm thấy thích con sóng vui vẻ và vô tư. Nhưng vách đá bảo sóng:
– Không, em không thể yêu ta. Ta là đá, là vách đá. Ta không hề biết yêu. Em sẽ làm cho ta tan nát mất.
Nhưng con sóng không hề dừng lại. Sóng vuốt ve lên bờ đá và tung toé lên những bọt nước trắng như bông. Sóng bắt mình trò chuyện cùng vách đá và gỡ ra tất cả những vỏ sò bám ở xung quanh. Nhưng vách đá nói với sóng:
– Ta là đá, ta cứng rắn vô cùng, ta không cần sự vỗ về âu yếm của em.
Nhưng con sóng vẫn xô vào vách đá và tung lên những bọt nước trắng như bông… Sau đó nhiều năm tình yêu của sóng dành cho vách đá vẫn không hề thuyên giảm. Vách đá làm ra vẻ không để ý đến những điều này nhưng sóng vẫn tiếp tục xô vào…


Một hôm con sóng tự nhiên biến mất. Buổi sáng tỉnh giấc vách đá không còn thấy sóng đâu. Nhưng vách đá bắt mình không nghĩ suy về sóng. Năm tháng nối đuôi nhau mà con sóng đã đi đến nơi nào không còn quay lại. Rất nhiều năm sau đấy, con sóng bỗng quay về nhưng sóng đã thay đổi nhiều so với ngày xưa. Bây giờ sóng hiểu về cuộc đời nhiều hơn, sóng đã không còn vui vẻ và vô tư nữa nhưng có một điều sóng vẫn yêu vách đá như xưa. Còn vách đá vẫn tỏ ra hững hờ, có vẻ không quan tâm đến việc sóng quay về gì cả. Bởi vì vách đá là vách đá, làm sao vách đá có thể tỏ ra vẻ mềm yếu của mình?
Sau một thời gian, sóng vẫn tiếp tục trò chuyện cùng vách đá nhưng đã không còn những câu chuyện tha thiết, kín thầm và những đêm thức trắng. Vách đá cũng có phần già đi theo năm tháng vì nước biển bào mòn. Còn con sóng vẫn du hành, sóng biết ngày một nhiều hơn về những xứ sở và những con người mới. Một hôm quay trở lại, sóng bỗng nhận ra rằng mình đã không còn yêu vách đá. Vách đá cũng hiểu điều này và hiểu thêm một điều: mình không thể nào thiếu sóng, không thể thiếu những câu chuyện bí ẩn, lạ lùng về những xứ sở xa xăm, không thể thiếu những lời âu yếm, thì thầm, những vuốt ve dịu ngọt… Vách đá bảo sóng:
– Vâng, ta là đá, là vách đá nhưng mà ta không thể sống thiếu em!
Và vách đổ kềnh lên con sóng… Còn con sóng chỉ còn biết hôn lên vách đá và nói lời vĩnh biệt.


Con chim khao khát tự do

Trong một đối thoại triết học, nhà văn Osho viết:
“Tình yêu – là mùi hương hơn là một bông hoa. Bông hoa thì có hình dáng, mà hình dáng thì gợi ra những giới hạn. Tình là vô hạn nên không thể có hình dáng. Ta thường không hiểu điều này nên cố gắng vẽ cho tình màu sắc, hình dáng, đặt cho tình những giới hạn. Ta càng thành công trong việc này bao nhiêu thì tình còn lại ít bấy nhiêu – tình sẽ biến mất, tình sẽ chết. Tình yêu cần như một con
chim bay giữa bầu trời xanh chứ không phải nhốt trong lồng. Ngay cả, nếu bạn có chiếc lồng vàng thì vẫn là đem giết nó. Con chim giữa trời xanh hoàn toàn khác với con chim ở trong lồng. Đấy là hai khái niệm khác nhau. Mặc dù chúng giống nhau vẻ ngoài nhưng con chim bay giữa trời, trong gió, trong mây – là con chim tự do, và bởi thế, con chim này biết được thế nào là hạnh phúc. Con chim ở trong lồng chỉ có vẻ ngoài là giống con chim bay giữa trời mà thôi, bởi vì, con chim này không biết bầu trời, không biết tự do, không biết thế nào là hạnh phúc. Tình yêu là con chim khao khát tự do. Để cho tình lớn lên cần một bầu trời xanh. Đừng bao giờ giam tình ở trong lồng, đừng bao giờ bắt tình theo ý muốn, đừng trao cho tình địa chỉ, tên gọi hay hình dáng, đừng bao giờ dán nhãn mác cho tình. Hãy cứ để cho tình mãi mãi là mùi hương và luôn thầm kín, và khi đó, tình sẽ mang bạn trên đôi cánh đi vào vô tận vô cùng!” 


Ngọn Gió và bông Hoa

Ngọn gió gặp một bông Hoa và yêu bông Hoa này. Gió vuốt ve Hoa và Hoa cũng đáp lại tình yêu của gió bằng mùi hương ngào ngạt.
Nhưng Gió cứ ngỡ rằng điều này còn quá ít. Gió nghĩ bụng: “Nếu ta trao cho Hoa tất cả sức mạnh của mình thì Hoa cũng sẽ trao lại nhiều hơn”. Và thế là Gió thổi thật mạnh lên cánh Hoa. Nhưng Hoa không chịu nổi sự đam mê quá mức đã ngã gục.
Gió nâng cánh Hoa lên, cố làm cho Hoa tươi lại nhưng không thể. Khi đó Gió thổi nhẹ bằng hơi thở nhẹ nhàng của tình yêu nhưng Hoa cứ héo úa dần dần. Gió gào lên:
– Ta trao cho em tất cả sức lực của mình, còn em thì ngã gục! Tại vì sao em không mạnh mẽ như thế với ta, có nghĩa là, em không hề yêu ta!
Nhưng Hoa không nói gì. Hoa đã chết.
Kẻ đang yêu hãy nhớ rằng: tình yêu không đo bằng sức mạnh mà bằng vẻ dịu dàng. Thà mười lần phải khổ nhục giữ gìn cũng còn hơn chỉ một lần nhưng đổ vỡ!


Hoa hồng đỏ

Một người thủy thủ luôn nhận được những bức thư của một cô gái. Tên cô là Hoa hồng. Họ viết thư cho nhau đều đặn trong ba năm. Chàng thủy thủ nhận được thư là lại viết trả lời và hiểu ra rằng mình không thể sống thiếu những bức thư như thế. Họ yêu nhau mà không hiểu được vì sao.
Ngày chàng được ra quân, họ hẹn gặp nhau ở nhà ga thành phố vào lúc 5 giờ chiều. Cô gái viết trong thư rằng cô sẽ cầm trên tay bông hoa hồng đỏ. Chàng thủy thủ chưa bao giờ nhìn thấy ảnh của Hoa hồng, không biết nàng bao nhiêu tuổi, đẹp hay không đẹp, mập hay gầy, cao hay thấp…
Chàng thủy thủ đi ra nhà ga. Khi đồng hồ chỉ đúng 5 giờ thì một người phụ nữ xuất hiện, cầm trên tay một bông hồng đỏ. Người này chừng tuổi 60. Chàng thủy thủ đã có thể bỏ đi nhưng chàng không làm như vậy. Người này đã viết thư cho chàng suốt thời gian chàng ở biển, người này từng gửi cho chàng nhiều quà tặng, an ủi chàng những lúc buồn… Chàng thủy thủ bước đến trước mặt người phụ nữ và giới thiệu về mình. Còn người phụ nữ nói rằng chàng đã nhầm, rằng Hoa hồng là người đứng ở phía sau. Chàng thủy thủ quay lưng và nhận ra Hoa hồng. Đó là một cô gái trẻ và xinh đẹp. Người phụ nữ giải thích rằng cô gái nhờ cầm hộ bông hoa hồng đỏ.
Nếu như chàng đã bỏ đi thì tất cả đã kết thúc nhưng bởi vì chàng đã không bỏ đi nên mới biết được sự thật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét