Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Giai thoại hay nhất - P. 2


Điều bí mật của phụ nữ

Câu chuyện này chỉ phụ nữ kể cho nhau:
Nàng Eva nói với Đức Chúa Trời:
– Thưa Ngài, con có việc phiền đến Ngài!
– Việc gì vậy con?
– Thưa, Ngài tạo ra con, làm cho con một khu vườn, có những con thú tuyệt vời và có con rắn rất buồn cười nhưng mà con vẫn cảm thấy không hề hạnh phúc.
– Tại vì sao vậy?
– Dạ thưa, con rất cô đơn và đã chán vô cùng những quả táo.
– Thôi được. Thế thì ta sẽ tạo cho con một người đàn ông.
– Đàn ông là gì vậy, thưa Ngài?
– Đấy là một sinh vật hư hỏng với đủ thứ tật xấu trên đời. Nó sẽ gian dối và hiếu danh nhưng nó mạnh mẽ và nhanh nhẹn hơn con, nó thích săn lùng và giết chóc. Trông nó rất dại dột trong tình trạng được kích thích, nhưng bởi vì con nài nỉ thì ta cứ tạo cho con như thế, để nó có thể thỏa mãn những nhu cầu về thể xác của con. Nó sẽ ngu đần, thích cờ bạc, rượu chè và thích những trò chơi như con trẻ: thích đánh nhau, thích đá banh và những trò chơi điện tử. Nó cũng không thông minh quá, mà thường xuyên cần đến những lời khuyên nhủ của con…
– Eo ôi, nghe hay quá – Eva kêu lên sung sướng – nhưng Ngài có lừa con không đấy?
– Con sẽ có người đàn ông như vậy nhưng với một điều kiện.
– Điều kiện gì ạ?
– Như đã nói từ đầu, nó rất tự cao, tự say mê mình… nên con phải để cho nó tin rằng nó là con người đầu tiên. Và con hãy nhớ rằng đấy là điều bí mật… chỉ để chị em phụ nữ kể cho nhau…


Bồ câu và rắn

Chuyện cổ kể rằng, một lần con rắn đến xin ông trời cho nó trở thành một người phụ nữ đẹp vì đã chán cảnh bò trườn. Ông trời cảm thấy thương, đã biến rắn trở thành một người phụ nữ xinh đẹp, và nói: “Hãy đi mà cắn người”. Sau đó mấy ngày, một con bồ câu cũng bay đến xin ông trời cho bồ câu trở thành một người phụ nữ đẹp. Ông trời cũng nghe theo và bảo: “Hãy mang đến điều tốt đẹp cho con người”. Kể từ đó trên đời luôn có hai người phụ nữ: một người với tâm hồn của bồ câu, một với tâm hồn của rắn.



 Cô gái đẹp nhất

Ngày xưa có hai chàng thủy thủ đi chu du thiên hạ bằng thuyền để tìm vợ. Họ đi đến một hòn đảo. Ông vua xứ đảo này có hai cô con gái. Cô chị xinh đẹp sắc nước hương trời, còn cô em thì không được đẹp lắm.
Một chàng thủy thủ nói với bạn:
– Tớ tìm được rồi đấy. Tớ sẽ ở lại đây xin làm đám cưới với con gái của vua.
– Được đấy, cô chị xinh đẹp và thông minh quá.
– Không phải đâu. Tớ sẽ cưới cô em.
– Cậu có điên không đấy? Cô em… không được xinh lắm.
– Nhưng mà tớ đã quyết như vậy, tớ yêu cô ta.

Thế là người bạn lên thuyền đi tiếp, còn chàng rể chuẩn bị để làm đám hỏi. Theo tục lệ của đảo, chàng rể phải nộp cho gia đình cô dâu mười con bò. Cô dâu xinh đẹp đáng giá mười con bò. Chàng trai đi khắp đảo tìm về được mười con bò và đem đến nhà cô dâu.
– Thưa nhà vua, con muốn cưới con gái của ngài và con đã chuẩn bị mười con bò.
– Cô con gái lớn của ta xinh đẹp và thông minh, đáng giá mười con bò. Ta đồng ý.
– Không phải đâu ạ. Con muốn cưới cô em.
– Ngươi có đùa không?
– Dạ, con đã chọn cô ấy.
– Được. Nhưng ta là người chính trực, ta không thể nhận cả mười con bò. Ta chỉ lấy của ngươi ba con.
– Ngài cho phép con nộp cả mười con.
Thế là họ cưới nhau.
Mấy năm sau đó, người bạn kia trên đường quay trở lại đã ghé thăm người bạn cưới vợ ngày nào. Vừa ghé vào cầu tàu, chàng nhìn thấy một phụ nữ vô cùng xinh đẹp. Chàng hỏi thăm nhà người bạn và đến nơi thấy bạn đang chơi với mấy đứa con.
– Cậu sống ra sao?
– Tớ đang rất hạnh phúc.
Lúc này người phụ nữ xinh đẹp bước ra.
– Giới thiệu với cậu, đây là vợ tớ.
– Sao, cậu cưới vợ lần nữa à?
– Không, vẫn là cô gái ngày xưa đấy chứ.
– Không thể tin được!
– Thì cậu hãy đi mà hỏi nàng.
Người bạn bước đến bên người vợ:
– Tớ xin lỗi vì câu hỏi thiếu tế nhị. Có điều gì đã xảy ra, tại vì sao em bây xinh đẹp hơn ngày trước?
– Chỉ vì đơn giản là em luôn nhớ một điều rằng em đáng giá mười con bò.


Gương mặt đẹp

Nhà bác học, nhà thơ Omar Khayyam trong một tiểu luận triết học đã định nghĩa về gương mặt đẹp:
“Gương mặt đẹp – đấy là hạnh phúc cho người được trời ban tặng và là vinh hạnh cho kẻ được ngắm nhìn. Chiêm ngưỡng gương mặt đẹp làm cho tâm trạng con người hân hoan, giống như sự phối hợp thần tiên của những vì tinh tú.
Gương mặt đẹp tự thân tỏa mùi hương và người chủ của nó không cần đến hương liệu. Gương mặt đẹp như mặt trời phản chiếu trong nước sạch. Gương mặt đẹp tỏa sáng cả khi không có mặt trời, vì rằng gương mặt đẹp giống như hào quang của mặt trời hay các vì tinh tú, là sự thể hiện ý chí của Đấng Tối Cao.
Tất cả mọi dân tộc trên đời đều ca ngợi gương mặt đẹp. Có nhiều thứ trên đời làm cho đôi mắt con người dễ chịu nhưng vẻ đẹp của tất cả những thứ này không thể thay cho gương mặt đẹp, vì rằng niềm vui của sự thưởng ngoạn không thể sánh với niềm vui bao trùm lấy những con người mỗi khi người đẹp có mặt. Nếu món quà sắc đẹp đến với con người cùng với phẩm hạnh thì người này được Thượng Đế quí trọng và người đời sẽ yêu thương.
Có bốn phẩm chất của một gương mặt đẹp:
-Gương mặt đẹp mang đến sự may mắn tốt lành cho người được chiêm ngưỡng.
-Ngắm nhìn gương mặt đẹp làm cho con người cảm thấy sung sướng và hạnh phúc.
-Vẻ đẹp của gương mặt khơi dậy ở con người sự rộng lượng và lòng dũng cảm.
-Gương mặt đẹp giúp đạt được giàu có và danh vọng cho cả người chủ lẫn người được chiêm ngưỡng.
Nếu một con người hạnh phúc mỗi buổi sáng được ngắm nhìn gương mặt đẹp thì người đó cảm thấy hạnh phúc suốt cả ngày.
Gương mặt đẹp khơi dậy sự kính trọng. Gương mặt đẹp làm cho tuổi già thêm trẻ, tuổi trẻ thành tuổi thiếu niên, còn trẻ em với gương mặt đẹp là thiên thần. Thậm chí, chỉ đứng gần gương mặt đẹp là người ta cảm thấy sự tự tin, vẻ buồn chán tiêu tan và người ta sẽ làm việc tốt hơn.
Một nhà tiên tri từng nói rằng: “Tất cả những gì cần, hãy đòi hỏi và hãy nhận lấy ở người được Thánh Ala ban tặng cho gương mặt đẹp”.
Người đời gọi những gương mặt đẹp theo nhiều kiểu khác nhau: một người này gọi đó là đối tượng của tình yêu, một người kia gọi đó là ánh sáng và niềm vui cho đôi mắt, một người khác lại cho rằng đó là sự trang điểm cho cuộc sống , là khẳng định sự tồn tại của thiên đường. Còn những người nhận biết những điều nói trên thì cho rằng gương mặt đẹp là chứng minh cho sự có mặt của Thánh Ala và là sự bao dung độ lượng của Ngài thể hiện ở cái đẹp và sự hài hòa của thế giới mà Ngài sáng tạo ra.
Một số người cho rằng gương mặt đẹp là do Tạo Hóa thưởng cho công lao từ kiếp trước, một số khác cho rằng đấy là cơn mưa vô tình của sự bao dung từ Thượng Đế, và người chủ của món quà này có khả năng làm nên những điều kỳ diệu, dễ dàng tìm ra con đường ngắn nhất để đi đến chân lý.


Thiên thần đầu tiên

Một ngày trước khi sinh ra trên đời, đứa bé hỏi Thượng Đế:
– Con không biết được tại sao con lại ra đời. Con sẽ phải làm gì ở đấy?
Thượng Đế trả lời:
– Ta tặng cho con thiên thần luôn ở bên con. Thiên thần sẽ giải thích cho con.
– Nhưng con làm sao hiểu được, con có biết tiếng của thiên thần đâu?
– Thiên thần sẽ dạy cho con tiếng của mình. Thiên thần sẽ che chở cho con.
– Thế khi nào và bằng cách nào để con trở lại với Ngài?
– Thiên thần sẽ nói với con tất cả.
– Thế thiên thần có tên gọi là gì ạ?
– Không quan trọng tên gọi là gì, thiên thần có rất nhiều tên. Con sẽ gọi thiên thần là “Mẹ”.


Phụ nữ

Khi vị thần tối cao của Vương quốc Magadha lập nên đất nước Ấn Độ tươi đẹp, Ngài bay trên mặt đất để ngắm nhìn. Đôi cánh của Ngài tạo thành cơn gió trong lành và ấm áp. Những cây cọ kiêu hãnh cúi mình, trước mắt Ngài những bông hoa huệ trắng trong và dịu dàng khoe sắc thắm. Ngài ngắt một cánh hoa huệ ném vào nước biển màu xanh. Ngọn gió thổi vào làn nước biển màu xanh và trùm lên cánh hoa này bọt biển. Một phút sau đó – từ chùm bọt biển này hiện ra một người phụ nữ dịu dàng và ngát hương như hoa huệ, nhẹ nhàng như ngọn gió, đổi thay như biển cả, xinh đẹp và lấp lóa như bọt biển xanh.
Người phụ nữ ngắm nhìn làn nước và kêu lên:
– Ôi, ta đẹp xinh quá đỗi!
Sau đó, nàng ngắm nhìn xung quanh và nói:
– Thế giới đẹp tuyệt vời!
Thế rồi người phụ nữ bước lên bờ đất khô từ dòng nước. Trên mặt đất những bông hoa nở theo hình dáng của phụ nữ, còn trên trời có hàng ức triệu đôi mắt tò mò và khát khao nhìn ngó. Những đôi mắt này tràn ngập vẻ thích thú. Từ bấy đến giờ những ngôi sao này vẫn còn lấp lóa. Sao Vệ nữ cháy lên bằng vẻ ghen tuông – bởi thế sao này cháy mạnh hơn những ngôi sao khác.
Người phụ nữ đi dạo trên đồng cỏ và khu rừng tuyệt đẹp. Tất cả đều lộ vẻ hân hoan nhưng im lặng. Điều này làm cho phụ nữ thấy chán. Nàng buồn bã kêu lên:
– Ôi, Magdha vĩ đại! Ngài tạo ra con đẹp xinh nhường ấy. Tất cả đều vui mừng nhưng con không nghe ra, không hiểu được sự mừng vui của chúng, vì tất cả đều câm nín.
Nghe những lời than phiền, thần của Magadha liền tạo ra những bầy chim. Những bầy chim hằng hà sa số hót lên ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ. Nàng lắng nghe và cười mỉm. Nhưng một ngày sau lại thấy chán và nàng lại kêu lên:
– Ôi Magadha tối thượng! Con nghe trong tiếng hót của chim rằng con rất đẹp. Nhưng xinh đẹp để làm gì nếu không có ai muốn ôm ấp, vỗ về con cả!
Khi đó, Magadha làm một con rắn rất đẹp. Con rắn quấn quanh người phụ nữ xinh đẹp rồi trườn xuống bàn chân nàng. Được nửa ngày nàng cảm thấy hài lòng nhưng sau lại chán.
– Thưa Ngài, nếu quả là con xinh đẹp thì những kẻ khác đã bắt chước. Họa mi hót hay thì kim oanh bắt chước. Nghĩa là con không thật đẹp!
Magadha tạo ra một con khỉ. Con khỉ này bắt chước từng bước đi của phụ nữ nhưng chỉ được mấy giờ đồng hồ sau lại nước mắt giàn giụa:
– Ừ thì con xinh đẹp! Người ta hát cho con nghe, quấn quít lấy con, bắt chước từng cử chỉ của con. Người ta ngắm nghía, ghen hờn, và con đã bắt đấu thấy sợ. Biết lấy ai che chở nếu người ta làm điều ác cho con?
Magadha tạo ra một con sư tử để bảo vệ phụ nữ. Nhưng cũng chỉ được một hồi, rồi lại kêu lên:
– Người ta vuốt ve con mà con thì không được vuốt ve ai cả. Người ta yêu con mà con chẳng biết yêu ai. Chẳng lẽ lại đi yêu sư tử to lớn, xù xì và khủng khiếp!
Ngay lúc đấy một con chó nhỏ xinh đẹp hiện ra.
– Con chó dễ thương quá à! – Phụ nữ kêu lên và vuốt ve con chó nhỏ. – Tao yêu mày quá!
Bây giờ thì nàng đã có tất cả, không còn gì để mà cầu xin nữa. Điều này làm cho nàng giận dữ. Để trút cơn giận, nàng đánh con chó – con chó kêu ăng ẳng rồi bỏ chạy, nàng đánh con sư tử – sư tử rống lên rồi bỏ đi, nàng giẫm chân lên con rắn – con rắn thở phì phì rồi bỏ trốn. Khỉ cũng bỏ chạy, chim chóc cũng bay đi khi phụ nữ hét lên với chúng…
– Ta thật là bất hạnh! – Phụ nữ kêu lên – Người ta âu yếm, vuốt ve khi ta vui mừng và bỏ chạy biệt tăm khi ta giận dữ. Ta cô đơn quá! Ôi Magadha tối cao! Một lần cuối cho con được khẩn cầu: hãy cho con một sinh vật để con có thể trút cơn giận mà không dám bỏ đi trốn, khi con cáu bẳn thì người này có trách nhiệm và nhẫn nhục chịu đòn…
Vị thần tối cao của Magadha suy nghĩ một hồi rất mông lung, rồi tạo ra cho phụ nữ một… người chồng.


Phụ nữ sinh ra từ đâu?

Đàn ông đến than vãn với Đức Chúa Trời về nỗi buồn của mình. Đức Chúa Trời nghĩ ngợi: “Biết lấy gì để tạo cho nó người phụ nữ, vì rằng tất cả nguyên liệu đã dùng hết vào việc tạo ra đàn ông rồi”. Nhưng không nỡ từ chối lời yêu cầu của đàn ông, sau khi đã suy nghĩ kỹ càng, Ngài tạo ra người phụ nữ bao gồm: một chút ánh nắng mặt trời, tất cả sắc màu quyến rũ của hoàng hôn, vẻ u buồn của ánh trăng, sắc đẹp của thiên nga, vẻ nhí nha nhí nhảnh của mèo con, vẻ yểu điệu của chuồn chuồn, vẻ dịu dàng ấm áp của lông, sức hút của nam châm, rồi trộn lẫn vào nhau. Sau đó, để ngăn ngừa sự ngọt ngào quá đỗi, Ngài thêm vào: vẻ chập chờn lạnh lẽo của sao, đổi thay của gió, nước mắt giàn giụa của những đám mây đen, vẻ láu lỉnh tinh ranh của cáo cái, tình hay quấy nhiễu của ruồi, lòng tham lam của cá mập, ghen tuông của hổ cái, tình hay trả thù của ong vò vẽ, khát máu của đỉa trâu, ngất ngư dài lâu của thuốc phiện, rồi Ngài thổi vào linh hồn của cuộc sống. Thế là xuất hiện người phụ nữ.
Đức Chúa Trời tặng phụ nữ cho đàn ông và dặn rằng:
– Con hãy giữ gìn nó như vậy, đừng có mà cố gắng thay đổi. Chỉ hoài công!


8 ý nghĩ hoang đường về phụ nữ

1. Đàn ông bao giờ cũng là người nuôi dưỡng gia đình.
Từ xưa đến nay chúng ta vẫn biết rằng đàn ông là người kiếm tiền, phụ nữ là người nuôi dạy con cái. Nhưng các nhà khảo cổ học đã chứng minh rằng: chính phụ nữ mới là người nuôi dưỡng cả gia đình. 80% thực phẩm nuôi gia đình là do phụ nữ mang về. Họ không có cách nào khác. Vì đa số đàn ông chỉ có thể săn được thú chỉ sau rất nhiều ngày đuổi bắt. Kết luận của các khoa học: tổ tiên chúng ta sống bằng săn bắn và hái lượm đã từng sống trong một xã hội rất bình đẳng.
2. Những người mẹ nhận ra con nhỏ của mình bằng mũi còn những ông bố thì không.
Luận điểm này đã lạc hậu: người mẹ, như động vật, qua mùi có thể nhận biết đứa trẻ nào là con mình. Các nhà khoa học Thụy Điển đã tiến hành nghiên cứu đề tài này từ năm 2001. 24 đứa trẻ sơ sinh từ 1 đến 4 tuần; 24 đứa trẻ từ 2 đến 4 tuổi được cho ngủ trong những bộ áo quần đặc biệt. Sau đó người ta cho bố mẹ của chúng ngửi mùi để nhận con. Mùi của trẻ chỉ có các ông bố nhận ra. Phụ nữ không cảm nhận ra sự khác nhau trong mùi của con trẻ chứ nói gì đến chuyện ngửi mùi để nhận ra con mình.
3. Phụ nữ đối xử với trẻ con tốt hơn đàn ông.
Đấy là điều hoang tưởng đáng yêu. Ross Parke ở Đại học California đã nghiên cứu về các ông bố. Kết luận: cũng như các bà mẹ, ngay sau khi sinh con, người bố đã có sự tiếp xúc tình cảm với đứa bé. Những ông bố cũng chuyện trò, chơi với con trẻ và cũng thường xuyên hôn chúng. Họ cũng xác định được tín hiệu từ con trẻ: đói, sợ, buồn. Chỉ phản ứng của tiếng cười con trẻ thì các ông bố có phần chậm hơn.
4. Linh cảm ở phụ nữ phát triển hơn ở đàn ông.
Phụ nữ nhạy cảm hơn nhiều vì linh cảm ở phụ nữ phát triển hơn. Phụ nữ thường nói như vậy. Từ vài ba chục năm nay các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đề tài này. Những bài viết được công bố từ năm 1983 cho biết: đấy là cứ ngỡ như vậy. Trên thực tế không phải thế. Trong các cuộc thử nghiệm, kết quả ở phụ nữ và đàn ông như nhau. Kết luận của các nhà khoa học: chuẩn mực văn hóa cho phép phụ nữ tin rằng họ nhạy cảm hơn đàn ông nhưng khả năng di truyền đã không xác định được điều này.
5. Phụ nữ ít gây gổ hơn đàn ông.
Đàn ông là những kẻ ưa gây gổ, phụ nữ – dịu dàng và mềm mỏng. Tuy nhiên, hàng chục công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng không hẳn đơn giản thế. Nếu nói về những biểu hiện gây gổ bằng chân tay trong số trẻ vị thành niên thì quả là các cậu bé dẫn đầu. Tuy nhiên, xem xét sự gây gổ trong tất cả các trường hợp thì thấy rõ sự khác biệt của giới tính. Các cô bé thích gây gổ một cách gián tiếp: vu khống, từ chối kết bạn hay nhiều mánh khoé khác. Những điều này không phải là lý lẽ để khẳng định rằng họ ít gây gổ hơn. Hơn nữa, đàn ông theo tuổi tác, sự vượt trội về sức mạnh tay chân sẽ mất đi.
6. Phụ nữ đi làm bao giờ cũng có thu nhập ít hơn đàn ông.
Viện Soziookonomische Panel (SOEP) thường xuyên tiến hành nghiên cứu ở Đức từ năm 1984 cho thấy những kết quả bất ngờ: 35% phụ nữ có thu nhập nhiều hơn chồng của họ. Nghiên cứu của Richard Freeman ở Đại học Harvard cũng có kết quả tương tự: 30% phụ nữ làm việc ở Mỹ có thu nhập cao hơn chồng. Còn theo số liệu của Quĩ Virpul thì ở châu Âu con số này thậm chí là 59%.
7. Đa số phát minh là của đàn ông.

Phin pha cafe, áo ngực của phụ nữ, tã lót dùng một lần… Những thứ này chẳng lẽ là phát minh của đàn ông? Có rất nhiều thứ làm cho cuộc sống chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn do phụ nữ nghĩ ra. Trong y học, kỹ thuật máy tính hay các môn khoa học tự nhiên phụ nữ có nhiều phát minh quan trọng. Dorothy Hodgkin Crowfoot (giải Nobel hoá học 1964) là người phụ nữ tìm ra hơn 100 phân tử hóa học. Ada Lovelace Byron (con gái của nhà thơ Anh Byron) – là người phát minh ra công nghệ tin học. Stephanie Kwolek phát minh ra chất cực nhẹ, cứng như thép dùng để làm áo che đạn.
8. Phụ nữ không thích xem phim khiêu dâm.
Hơn một nửa phụ nữ thích xem phim khiêu dâm, còn đàn ông là 73%. Đấy là kết quả thăm dò của viện xã hội học Gewis-Institut (Đức). Vào thời gian trên truyền hình có chiếu phim tươi mát phụ nữ xem còn nhiều hơn đàn ông.
(Nguồn: Tages Anzeiger)


Omar Khayyam về tình yêu và phụ nữ

Trong các nhà thơ cổ phương Đông nổi tiếng thế giới, nhà thơ Ba Tư Omar Khayyam chiếm vị trí số 1. Hàng triệu quyển thơ ông được in ra đều đặn từ hơn 100 năm nay cho đến bây giờ vẫn thế. Thơ Rubaiyat của Khayyam về ý nghĩa cuộc đời người, về sự bất lực của con người trước số phận và thời gian, về những sung sướng và đau khổ của kiếp người, về tuổi trẻ và tình yêu, tuổi già và cái chết, về những lời khuyên răn mà trong đó mỗi người có thể tìm thấy cho mình một điều gì thầm kín chưa từng được nói ra – tất cả đã trở thành tài sản tinh thần của toàn nhân loại.
Dưới đây là một đối thoại giữa Khayyam với cô người tình trong một cuốn truyện viết về ông. Đoạn đối thoại này thể hiện đầy đủ cái nhìn của ông về cuộc đời, về tình yêu và phụ nữ.
“- Thưa ông, trà đã chuẩn bị xong và món ăn mà ông thích: bánh và mật.
- Thế con có nhớ không, có lần ta đã bảo con rồi, tốt hơn trà là rượu…
- Vâng, và tốt hơn rượu là phụ nữ, còn tốt hơn phụ nữ là chân lý.
- Ừ, ta đã từng nói vậy. Nhưng hôm nay ta đi dạo trong vườn chợt hiểu ra rằng: tất cả đều nhảm nhí, vớ vẩn hết. Tất cả mọi thứ trên đời đều có khối lượng, trọng lượng, thể tích và thời gian tồn tại nhưng không có thước đo của một thứ – chân lý. Điều mà hôm qua tưởng đã đúng rành rành thì hôm nay lại hoá thành sai. Điều mà hôm nay người ta cho rằng giả dối thì ngày mai em trai con sẽ học trong nhà trường. Không phải lúc nào thời gian cũng là thước đo mọi khái niệm. Ta đã từng nghe bao nhiêu lời đồn đại của người đời về ta. Khayyam – người chứng minh chân lý, Khayyam – người keo kiệt, Khayyam – nghiện rượu, Khayyam – mê gái, Khayyam – vô thần, Khayyam – thần thánh… Thế mà ta chỉ là ta.
- Thế còn con thì sao, thưa ông?
- Con tốt hơn rượu và quan trọng hơn chân lý. Từ lâu ta đã muốn cho con tiền để mua cái dây chuyền vàng có đeo một cái chuông nhỏ để khi con đang đi từ xa ta đã biết rằng con đang đi đến”.


Lady Godiva

Quí bà Godiva (980 – 1067) – nữ Bá tước, vợ của ngài Bá tước Leofric III, là một phụ nữ xinh đẹp đã dũng cảm khỏa thân cưỡi ngựa đi một vòng quanh thành phố Coventry, Anh để chồng giảm thuế nặng cho dân chúng. Godiva còn gọi là Godgifu, nghĩa là “quà tặng của Đức Chúa Trời”.
Theo truyền thuyết của Anh, Godiva là một phụ nữ tuyệt đẹp đã yêu cầu chồng giảm thuế nặng cho dân chúng Coventry. Leofric hứa sẽ giảm thuế cho dân nếu vợ ông khỏa thân cưỡi ngựa dạo quanh thành phố Coventry. Leofric tin chắc rằng Godiva không bao giờ chịu làm như vậy. Không ngờ Godiva đồng ý, mặc dù có một chút khôn vặt – nàng đề nghị dân chúng vào một ngày hẹn trước đóng hết cửa và không nhìn ra đường phố. Và thế là Godiva khỏa thân cưỡi ngựa đi hết một vòng quanh thành phố Coventry. Ngài bá tước vô cùng kinh ngạc trước tinh thần dám xả thân của phụ nữ nên giữ lời hứa của mình, đã giảm thuế nặng cho dân chúng. Cũng theo truyền thuyết thì trong ngày hôm đó chỉ có duy nhất một chàng Tom tò mò (Peeping Tom) đã lén lút ngó nhìn qua cửa sổ và chính ngay trong cái khoảnh khắc nhìn thấy đã bị mù cả hai mắt.

Cuộc đời của Bá tước Leofric và Godiva được ghi chép trong sử sách của Anh. Biên niên sử chép rằng năm 1043 Leofric, Bá tước xứ Mercia xây dựng tu viện Benedictine ở Convetry, biến làng Coventry thành một thành phố lớn thứ tư ở nước Anh thời bấy giờ. Leofric hiến cho tu viện rất nhiều đất đai, còn Godiva tặng rất nhiều vàng bạc mà không một tu viện nào thời đó có thể sánh bằng. Tuy vậy, không thấy sử sách ghi những truyền thuyết về Godiva và chàng Tom nhìn trộm. Câu chuyện về Quí bà khỏa thân cưỡi ngựa lần đầu tiên được nhà tu Roger Wendover nhắc đến năm 1188. Theo đó, sự kiện này xảy ra ngày 10 tháng 7 năm 1040. Còn sau đấy thì câu chuyện được kể với sự thêu dệt của người đời. Thế kỷ XIII, vua Edward I, tìm hiểu sự thật của câu chuyện này, đã nghiên cứu những sự kiện chép trong sử sách và nhận thấy rằng năm 1057 dân Coventry chịu thuế rất nặng. Còn câu chuyện về “chàng Tom nhìn trộm”, theo nhiều nguồn tin, chỉ xuất hiện vào năm 1586 khi Hội đồng thành phố Coventry đặt cho họa sĩ Adam van Noort vẽ bức hoạ về Quí bà Godiva theo truyền thuyết. Bức tranh này sau đấy được treo ở quảng trường thành phố nhưng dân chúng lại nhầm là ngài Bá tước Leofric đang ngó vào cửa sổ để xem một con dân đang nghe trộm.
Câu chuyện về hành động quên mình vì nghĩa lớn của Quí bà Godiva cách đây gần 1000 năm đã trở thành đề tài của rất nhiều tác phẩm thơ, văn, hội họa, điện ảnh… Dưới đây là tóm tắt một số sự kiện từ cổ chí kim:
- Gần nhà thờ chính Coventry đặt bức tượng Quí bà Godiva ngồi trên ngựa, mái tóc buông xoã. Hình của bức tượng này khắc trong con dấu của Hội đồng thành phố Coventry.
- Từ năm 1678 dân chúng Coventry tổ chức ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ Quí bà Godiva, ngày lễ này đến nay vẫn không thay đổi. Đây là ngày lễ như ngày hội Carnavan, người ta hát hò, biểu diễn âm nhạc còn buổi tối bắn pháo hoa. Những người tham dự mặc trang phục của thế kỷ XI diễu hành từ nhà thờ cổ, theo con đường mà ngày xưa Quí bà Godiva đã cưỡi ngựa đi, rồi trở về tập trung ở tượng Quí bà Godiva tổ chức nhiều cuộc thi, đặc sắc nhất cuộc thi bầu chọn Lady Godiva đẹp nhất. Tham dự cuộc thi này là những phụ nữ đẹp mặc đồ lót phụ nữ thế kỷ XI. Người thắng cuộc thường là người đẹp có mái tóc dài vàng óng.
- Có vẻ như ngược đời, nhưng ở Anh có nhiều cửa hàng bán quần áo mang tên Lady Godiva.
- Một loại sô-cô-la nổi tiếng có tên gọi Godiva (Lady Godiva).
- Bài hát "Don't Stop Me Now" của ban nhạc nổi tiếng Queen về Lady Godiva.
- Bài hát “My Girl” của Aerosmith có câu , "My girl's a Lady Godiva."
- Ban nhạc Boney M có bài hát “Lady Godiva”.
- Nhà thơ Osip Mandelstam viết bài thơ “Lady Godiva” sau đây, lấy cảm hứng từ bức tranh Quí bà Godiva ngồi trên ngựa:

Tôi với vẻ dại dột, ngây thơ thuở gắn mình vào thế giới hoàng gia, quí tộc
Sợ những món hải vị sơn bào và chỉ dám liếc mắt nhìn ngó đội vệ binh
Và tôi cũng không có trách nhiệm với họ dù chỉ một chút hồn mình
Bởi thế tôi không tự hành hạ mình vì dáng hình kẻ khác.

Với vẻ quan trọng ngô nghê tôi chau mày trong chiếc mũ như mũ nhà thờ
Tôi không đứng một mình dưới cột đá hành lang của nhà băng Ai Cập
Và trên sông Nê-va màu vàng chanh, sau tiếng xạc xào của tờ một trăm đồng rúp
Cô gái Digan trước mặt tôi đã không còn nhảy múa nữa bao giờ.

Cảm nhận thấy những trận tử hình, từ tiếng thét gào của thời loạn lạc
Tôi chạy về phía biển Đen, để tìm đến những nàng tiên
Và thế rồi vì những người đẹp thuở ấy, những cô gái châu Âu dịu dàng
Tôi đã chịu đựng biết bao nhiêu là ngượng ngùng cùng đớn đau khó nhọc.

Không hiểu tại vì sao đến tận bây giờ thành phố này vẫn còn thỏa mãn
Với những ý nghĩ và tình cảm của tôi theo lề lối cổ xưa?
Thành phố vì những cơn nóng lạnh trở nên càn rỡ hơn hết bao giờ
Với vẻ tự ái đáng rủa nguyền, với vẻ trẻ trung và trống rỗng.

Có phải tại vì tôi đã từng ngắm nhìn trong bức tranh từ thời tôi còn nhỏ
Quí bà Godiva buông tuồng ngồi trên lưng ngựa màu hung
Và tôi thầm vụng, lén lút tự nhắc nhở trong lòng:
“Lady Godiva, vĩnh biệt! Tôi không còn nhớ Lady Godiva nữa…”  


Cuộc hôn nhân hạnh phúc

Thời xưa con người cố gắng tạo ra sự hòa hợp trong hôn nhân bằng sự cưỡng bức. Bằng cách này, hàng thế kỷ phụ nữ bị chèn ép. Người ta nghĩ đơn giản rằng bắt phụ nữ phục tùng đàn ông thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng đấy không phải là quan hệ. Khi phụ nữ không còn là một con người độc lập thì mọi vấn đề biến mất, nhưng con người phụ nữ cũng không còn. Khi đó phụ nữ chỉ là đồ vật, khi đó không còn niềm vui, và đàn ông bắt đầu đi tìm người phụ nữ khác.
Dưới đây là một câu chuyện về cuộc hôn nhân ở Ấn Độ ngày xưa:
Một chàng trai con nhà địa chủ giàu có đến tuổi lấy vợ. Chàng đi tìm vợ bằng cách cưỡi một con la ra thành phố. Sau một thời gian chàng tìm được cô gái ưng ý để cưới làm vợ. Họ cùng cưỡi la đi về quê. Đi được mấy cây số con la đứng lại, không chịu đi tiếp. Chàng trai nhảy xuống đất tìm cây gậy đánh con la.
– Một – chàng trai hô to.
Con la bước đi nhưng sau mấy cây số nữa lại không chịu đi và chàng trai lại nhảy xuống.
– Hai.
Một thời gian sau cảnh cũ lặp lại. Chàng trai nhảy xuống đất và ra lệnh cho vợ cùng nhảy xuống rồi rút súng bắn con la vào tròng mắt.
– Tại sao anh ngu ngốc như vậy – người vợ kêu lên – con vật quí như thế, còn anh đi giết nó chỉ vì bực bội. Tàn nhẫn quá… người vợ cứ tiếp tục bằng những lời như thế. Khi vợ bắt đầu nghỉ đế lấy hơi, chàng trai nhìn vào vợ:
– Một.
Và nghe nói rằng sau cái lần như vậy họ sống với nhau hạnh phúc đến hết đời.
Kể lại câu chuyện này, tôi nhớ một bức thư của Hegel gửi cho người phóng viên của mình, trong đó có đoạn: “Phụ nữ Nga thường than phiền rằng tại sao các đức ông chồng lại không đánh họ. Không đánh thì có khác gì không yêu. Đấy cũng là lịch sử Thế giới. Mọi dân tộc đều cần roi vọt”. Những lời trên đây nói về một đặc điểm của phụ nữ và, thậm chí, là một đặc điểm của lịch sử. Theo Hegel thì lịch sử cũng cần một sự kích thích để phát triển.


Sinh ra làm phụ nữ

Một người phụ nữ than thở với nhà thông thái về số phận của mình. Nhà thông thái nói:
– Tự con là câu trả lời cho số phận của con.
– Nhưng chẳng lẽ con phải trả lời về việc rằng con sinh ra làm phụ nữ?
– Sinh ra làm phụ nữ – đấy không phải là số phận. Đấy là sự tiền định của con. Còn số phận của con phụ thuộc vào việc con sử dụng sự tiền định ấy như thế nào.


Cổng thiên đàng và địa ngục

Một võ sĩ Samurai có lần đến hỏi một nhà sư tu theo giáo phái Thiền:

– Thưa nhà sư, có thiên đàng không? Có địa ngục không? Nếu có thiên đàng, địa ngục thì cổng vào ở đâu? Ở đâu tôi có thể bước vào?
Đấy là câu hỏi của một võ sĩ. Mà võ sĩ thì luôn đơn giản. Họ chỉ biết hai thứ: cuộc sống và cái chết, ngoài ra, họ không cần thứ triết học nào khác. Võ sĩ này chỉ đơn giản muốn biết cổng vào ở đâu để tránh địa ngục. Nhà sư cũng trả lời theo lối đơn giản nhất để võ sĩ có thể hiểu được.
– Anh là ai? – nhà sư hỏi.
– Tôi là Samurai.
Samurai ở nước Nhật là một danh hiệu cao quý. Điều này có nghĩa là một người lính hoàn hảo mà không bao giờ suy nghĩ về cuộc sống. Võ sĩ Samurai nói: “Tôi là thủ lĩnh của Samurai. Nhật Hoàng cũng kính trọng tôi”. Nhà sư mỉm cười trả lời:
– Anh mà là Samurai ư? Trông anh có vẻ như một kẻ hành khất!
Câu nói này động chạm đến lòng tự hào của Samurai. Người võ sĩ đã quên mất rằng mình đi đến đây để làm gì, liền rút kiếm để giết chết nhà sư. Nhà sư cười bảo:
– Đấy chính là cổng vào Địa ngục. Với kiếm trong tay, trong cơn giận dữ – anh sẽ mở được nó.
Điều này thì võ sĩ có thể hiểu ra và nhận thức ngay được. Samurai đút kiếm vào bao, còn nhà sư bảo:
– Còn đây là cổng vào Thiên đàng.
Thiên đàng và Địa ngục ở trong mỗi con người, và những cánh cổng – ở trong mỗi con người. Nếu ta không nhận thức được – đấy là cổng vào địa ngục. Còn nếu ta tỉnh táo và nhận thức được – đấy là cổng vào thiên đàng. Trí tuệ là thiên đàng, trí tuệ là địa ngục và trí tuệ là phương tiện để trở thành địa ngục hoặc thiên đàng. Người ta vẫn thường nghĩ rằng mọi thứ đều ở đâu đó bên ngoài mình. Địa ngục và thiên đàng không phải ở bên kia thế giới, địa ngục và thiên đàng ở đây, ngay lúc này. Những cánh cổng luôn luôn mở. Trong mọi khoảnh khắc bất kỳ ta có thể tự lựa chọn giữa địa ngục và thiên đàng.


Bài học về tình yêu

Một chàng trai tìm đến hỏi chuyện vua Solomon khi ông đang viết “Nhã ca”.
– Thưa nhà vua, tiếng tăm về sự anh minh của ngài ai ai cũng đã biết. Con muốn xin ngài một lời khuyên, vì rằng con không thể nào lặng yên, không thể ngủ, mà con tim thì tan vỡ đến muôn đời.
Nhà vua nhìn chàng trai và hỏi:
– Con sống bằng nghề gì?
– Con là con trai một người giàu có nên không phải vất vả vì kế sinh nhai. Con thường đọc thơ và những câu chuyện cổ tích cho mọi người nghe.
– Chính vì thế, con kể cho mọi người những điều mà con không biết nên con mỏi mệt. Nhưng chính trong thơ, trong truyện là niềm vui và hạnh phúc của con chứ?
Rồi nhà vua tiếp tục:
– Tình cảm và lý trí – là hai phần tách biệt của một con người thống nhất. Lý trí cần lạnh lùng nhưng tình cảm cần nỏng bỏng. Cần biết cách giữ sự rõ ràng của lý trí khi con tim cháy lên thì con sẽ làm được những việc mà trước đây chưa hề nghĩ. Chẳng lẽ con không để ý rằng cả thế giới xung quanh đều thay đổi khi con yêu hay sao?
Chàng trai trả lời:
– Con thấy đời đẹp hơn trước và không khí vô cùng trong sạch đến độ có thể nhìn thấy những ngôi sao giữa ban ngày.
Và vua Solomon tiếp lời:
– Lý trí giúp con thể hiện tình cảm của mình vào công việc có ích cho mọi người. Tình yêu không được đáp lại sẽ trở thành bài học cho lý trí, còn tình yêu được đáp lại sẽ là nguồn vui vô tận của trái tim. Con người với trái tim lạnh lùng giống như bếp lửa đã tắt. Con người với đầu óc nóng bỏng giống như chiếc xe thồ lao xuống sông: người này không biết làm chủ mình, còn khi biết ra thì đã muộn.
Chàng trai hỏi nhà vua:
– Thế nghĩa là khi yêu con phải trao ý chí cho một phần của mình nhưng lại phải biết gìm lại phần khác?
– Đấy là công việc vô cùng khó nhọc nhưng người biết cách làm được sẽ trở thành tấm gương cho những người khác trong cuộc đời cũng như sau khi đã chết.


Bài học về sự lựa chọn

Một người đàn ông đến xin lời khuyên của vua Solomon khi ông đang ăn nho. Người đàn ông nói:
– Xin nhà vua hãy giúp con! Thằng con trai của con cần lựa chọn một trong hai người phụ nữ, con không thể ngồi nhìn con mình rất đau khổ.
Vua Solomon vừa nhìn lên trời vừa trả lời:
– Sự lựa chọn – đấy không phải là cái mà ta chọn. Sự lựa chọn đấy là cái mà ta từ chối.
Và nhà vua hỏi:
– Anh sống bằng nghề gì?
Người đàn ông trả lời
– Con làm thợ xây. Bố con quyết định như vậy.
– Bố anh không quyết định như vậy. Bố anh đã từng nghĩ: “Liệu thằng con trai cón nên làm thợ mộc? Liệu nó có khả năng làm nghề buôn?” Cứ mỗi lần, chọn một cái này thì anh từ chối tất cả những cái còn lại. Thời gian mà ta sống qua không đủ để hiểu biết ra tất cả, không đủ để nếm mùi tất cả mọi loài cây trái, không đủ để nhận biết tất cả đàn bà con gái.
Nhà vua im lặng một lúc rồi nói tiếp:
– Hãy nhớ cho mình một qui tắc là nhận biết ta nên từ chối cái gì. Điều này cho phép ta vứt bỏ những mơ ước hão huyền và những thất vọng thường xuyên. Luôn luôn nhớ điều này thì con đường của ta sẽ sáng sủa hơn và thật như vốn có. Anh hãy nhớ rằng sự lựa chọn là không hề có.


Phụ nữ thực sự muốn gì?


Theo truyền thuyết, ngày xưa vua Arthur bị một ông vua của Vương quốc khác bắt làm tù binh và bị bỏ tù. Sau đấy, ông vua này nghĩ lại cảm thấy thương nên nói rằng sẽ cho Arthur ra tù nếu ông trả lời được một câu hỏi khó. Ông vua này cho Arthur một năm để đi tìm câu trả lời, còn nếu không tìm ra thì sẽ bị treo cổ. Câu hỏi như thế này: “Phụ nữ thực sự muốn gì?”
Vua Arthur cho người đi hỏi tất cả phụ nữ trong Vương quốc của mình suốt một năm nhưng không một ai trả lời cả. Cuối cùng người ta báo cho ông rằng có một mụ phù thủy có thể trả lời nhưng cái giá của câu trả lời rất cao. Nhà vua không còn sự lựa chọn nào đã đích thân đến hỏi phù thủy muốn gì. Mụ phù thủy muốn lấy Gawain – hiệp sĩ xuất sắc nhất của Arthur – làm chồng. Bởi vì mụ phù thủy trông rất khủng khiếp lại rất già và chỉ có một răng.
Arthur nói rằng ông không muốn bắt ép người bạn của mình, thà ông chịu chết. Nhưng Gawain lại nói rằng cuộc đời của nhà vua cần cho cả Vương quốc nên chàng bằng lòng lấy mụ phù thủy. Thế là phù thủy trả lời câu hỏi của Arthur. Phù thủy nói rằng phụ nữ rất muốn được sử dụng cuộc sống riêng theo ý mình.
Vua Arthur được ra tù và tất cả vui mừng chuẩn bị làm đám cưới. Hiệp sĩ Gawain là môt Quí ông theo đúng nghĩa, còn phù thủy trong ngày cưới trông càng khủng khiếp hơn ngày thường.
Đêm tân hôn, Gawain miễn cưỡng đi vào phòng ngủ. Trước mắt chàng hiệp sĩ là một phụ nữ đẹp tuyệt vời mà chàng chưa bao giờ nhìn thấy người phụ nữ nào đẹp như vậy. Gawain ngạc nhiên hỏi điều gì đã xảy ra. Phù thủy trả lời rằng đấy là sự cảm tạ thái độ của chàng khi nàng trông rất khủng khiếp, nên một nửa thời gian nàng sẽ là một người phụ nữ trẻ đẹp, còn một nửa thời gian sẽ là phù thủy và hỏi Gawain sẽ chọn người như thế nào ban đêm, người như thế nào ban ngày. Gawain suy nghĩ rất lâu, không biết nên chọn người đẹp vào ban đêm, phù thủy ban ngày hay ngược lại? Cuối cùng, chàng quyết định để cho phù thủy tự mình quyết định. Khi đó, phù thủy nói rằng, nàng sẽ mãi mãi là người đẹp, bởi vì chàng tôn trọng và cho phép nàng sử dụng cuộc sống riêng theo ý mình.
Một điều rút ra từ câu chuyện trên: không quan trọng vợ bạn là người phụ nữ đẹp hay không đẹp, thông minh hay dại dột. Đằng sau tất cả những điều này thì nàng vẫn là phù thủy.


Vợ người ta

Ngày xửa ngày xưa Thượng Đế tạo ra mười người đàn ông. Một người này cuốc đất, người nọ chăn cừu, người kia đánh cá…
Sau một thời gian, cả mười người đàn ông đến gặp Thượng Đế và nói:
– Thưa Ngài, chúng con sống đủ đầy nhưng mà vẫn còn thiếu một cái gì đấy. Chúng con cảm thấy buồn buồn thế nào ấy.
Thượng Đế trao cho họ mỗi người một ít đất sét và nói:
– Mỗi người hãy đi nặn cho mình một người phụ nữ theo ý thích: gầy, béo, to, nhỏ, cao, thấp… Rồi ta sẽ thổi vào linh hồn của cuộc sống.
Sau đó Ngài mang ra một rổ đường và nói:
– Đây là mười cục đường. Mỗi người hãy lấy một cục cho người vợ của mình, để cuộc sống với người vợ sẽ ngọt ngào.
Cả mười người đàn ông làm theo.
Sau đó, Thượng Đế nói:
– Trong số các ngươi có một kẻ láu cá. Trong rổ này có mười một cục đường, ai đã lấy hai cục?
Tất cả đều im lặng. Thế là Thượng Đế nổi giận, lấy cả mười người vợ mà họ vừa nặn xong trộn vào nhau rồi chia cho mỗi người một phần, bất kể ý thích của họ.
Kể từ ngày đó, có chín người đàn ông trong số mười người vẫn nghĩ rằng vợ người ta bao giờ cũng ngọt ngào hơn vợ mình bởi vì nàng có đến hai cục đường. Và chỉ có một người đàn ông hiểu rằng tất cả phụ nữ đều như nhau cả, bởi vì người này là người đã ăn cục đường thứ mười một kia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét