Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Giai thoại hay nhất - P. 10


Vương quốc kỳ lạ

Trên bước đường chinh phục thế giới, một lần Alexander Đại đế gặp một vương quốc rất lạ lùng. Trong vương quốc này không có vua chúa, không có người giàu, người nghèo. Tất cả đều bình đẳng như những người anh em. Công việc của họ cũng nhẹ nhàng vì mặt đất hào phóng ban tặng cho họ mọi thứ. X sở này không hề biết đến chiến tranh. Mỗi người dân, mỗi gia đình có nhà, có vườn và không một ai làm rào giậu để che chắn cả. Trước mỗi ngôi nhà có một hầm mộ để trống làm cho Alexander Đại đế lấy làm ngạc nhiên. Ngài hỏi những người dân:
- Cuộc sống ở đây rất thanh bình nhưng tại sao các ngươi xây mộ cho mình khi còn sống và lại xây bên cạnh nhà ở?
- Những ngôi mộ này xây lên – những người dân trả lời – để nhắc nhở mỗi người đang sống nhớ đến cái chết của mình. Điều này giúp cho con người sống thiện, sống trung thực trong những ngày ngắn ngủi ở trần gian.
- Thế tại sao không có rào giậu, không có khóa, nhà cửa mở toang cho kẻ trộm?
- Ở đây không có kẻ trộm, không có người giàu, người nghèo. đây tất cả mọi người như nhau và mặt đất có đủ mọi thứ cho tất cả.
 Alexander Đại đế hỏi tiếp:
- Thế tại sao ở đây không có một người lính nào, người mà có thể rút kiếm từ trong bao ra tuyên bố quyền lực với tất cả? Làm sao các ngươi có thể sống mà không cần chính quyền?
- Nhưng ở đây không hề có sự hỗn độn, bởi thế, chúng tôi không cần vua chúa hay độc tài.
Khi đó, Alexander Đại đế hỏi câu cuối cùng:
- Thế nhưng tại vì sao trong số các người không có những người giàu có?
Những người dân sở tại bình thản trả lời:
- Ở đây ai cũng ghét lòng tham của cải và tiền bạc, ghét thói ích kỷ và keo kiệt. Phong tục này là do cha ông chúng tôi để lại và mỗi người ở đây đều tuân thủ suốt đời.
Alexander Đại đế vô cùng ngạc nhiên trước những lời như vậy nên đã cất quân ra khỏi xứ sở này. Trên đường trở lại, ngài nhìn thấy ánh đèn sáng trong nhà một người thợ may nên quyết định ghé vào. Trò chuyện với người này, vị hoàng đế cảm thấy có nhiều điều đáng cho ông suy ngẫm. Người thợ may kể rằng ngày xưa ở vương quốc này từng có hai ông vua cai trị. Xứ sở bị phân tranh và trong suốt hàng trăm năm đã từng có những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Cuối cùng dân chúng nổi dậy biến áo bào của những ông vua thành áo quan, người ta mang xác những ông chôn trên núi.
- Một hôm tôi đến xem mộ của hai vua – người thợ may kể – nhìn thấy xương của họ vương vãi khắp nơi. Tôi muốn gom lại theo từng người nhưng không thể nào xác định được xương của ai nằm ở đâu.
Cuối câu chuyện, Alexander Đại đế nói với người thợ may rằng ngài muốn đặt ông ta lên ngôi vua nhưng người thợ may kiên quyết từ chối. Ông ta nói rằng, đi may cho mình hoặc ai đấy chiếc áo của vua thì có khác gì đem cắt tấm vải bất tử để may thành chiếc áo long bào chỉ mặc trong một hôm.


Con đường đúng

Hai thầy trò cùng đi trong rừng. Bỗng nhiên trước mặt họ hiện ra một dòng sông chảy xiết. Bắc qua con sông là một cây cầu nhỏ, bên cạnh cây cầu là một súc gỗ mục sần sùi.
- Thầy ơi – cậu học trò hỏi thầy – con nên chọn con đường nào: nhẹ nhàng hay khó nhọc?
Thầy trả lời một cách nghiêm túc:
- Khi con hiểu được hết đạo, sẽ thấy rằng chỉ con đường nhọc nhằn mới đem lại kết quả…
Cậu học trò thở dài rồi trèo lên khúc gỗ mục để qua sông. Ông thầy đứng nhìn cậu học trò mạo hiểm vượt qua dòng sông chảy xiết. Khi cậu học trò sang đến bờ bên kia thầy mới từ từ bước lên cầu và đi qua sông.
- Sao lại như vậy được?! – cậu học trò ngạc nhiên – thế đạo ở đâu?
- Chỉ khi đạt đến sự lành nghề, con sẽ hiểu rằng chỉ con đường nhẹ nhàng mới dẫn ta về chân lý – thầy mỉm cười láu lỉnh.


Hãy là chính mình

Một hôm nhà vua đi ra khu vườn và nhìn thấy nhiều cây trong vườn đang héo hon dần chết. Cây sồi nói rằng nó đang chết vì nó không cao được như cây thông. Hỏi cây thông thì thông cũng đang héo úa vì thông không ra được quả như nho. Còn nho cũng sắp chết vì không nở được hoa như cây hoa hồng. Sau đấy, nhà vua tìm đến một loài cây đang nở hoa và tươi tốt. Nhà vua hỏi và cây này trả lời:
- Ta nghĩ rằng cần phải sống theo mình, vì khi con người trồng cây, con người muốn cây mang lại niềm vui. Nếu con người muốn cây sồi hay cây nho thì con người đã đi trồng những loài cây đấy. Vì ta nghĩ rằng ta không thể là loài cây khác ngoài những gì mà ta có. Và ta cố gắng phát triển những phẩm chất tốt đẹp của mình.
Bạn sống trên đời này, sự tồn tại cần ở bạn như những gì bạn có. Bạn là sự thể hiện của điều gì đấy rất đặc biệt, quan trọng và hiện hữu. Bạn có thể nở hoa và tươi tốt hoặc có thể lụi tàn nếu bạn không tiếp nhận mình.
Bạn không thể trở thành một ai khác mà chỉ là chính bạn. Sự tồn tại cần ở bạn như vốn có.


Cơn giận

Nhà thần học Osho viết: “Khi bạn nổi giận, bạn đừng trút cơn giận vào ai đấy mà cũng đừng kìm nén nó. Giận dữ - đấy là một hiện tượng tốt đẹp, có thể chuyển bạn sang một trạng thái tích cực”.

Một học trò của môn phái thiền đến hỏi thấy:
- Thưa thầy, con không làm chủ được tính cách của mình. Làm sao con sửa được tật này?
- Con hãy thể hiện nó cho thầy xem?
- Con không thể làm ngay được bây giờ.
- Thôi được – thầy mỉm cười – con hãy cho thầy xem khi nào con có thể.
- Nhưng mà khi nó xảy ra thì con không thể mang đến cho thầy ngay được. Nó luôn xảy ra một cách đột ngột, và con tin rằng khi đến thầy thì cơn giận đã qua.
- Nếu thế thì nó không phải là một bộ phận cấu thành của bản tính của con. Nếu cơn giận là có thực thì con đã có thể cho ta xem vào bất cứ lúc nào. Khi con sinh ra cơn giận chưa có. Bởi thế, nó thâm nhập vào người con từ bên ngoài. Thầy khuyên con là cứ mỗi lần nó bước vào, con hãy lấy cây gậy đánh vào mình cho đến khi nó bỏ chạy thì thôi.
Mỗi khi bạn cảm thấy tức giận hãy bước ra chạy vòng quanh nhà bảy vòng, sau đấy hãy ngồi lên ghế dưới gốc cây và hãy quan sát xem cơn giận của bạn nằm ở đâu. Không cần kìm nén nó hoặc trút lên ai đấy. Chỉ cần bạn có nhận thức.
Tình trạng giận dữ là một hiện tượng giống như tia lửa điện trong đám mây. Nếu bạn có nhận thức trong khi giận dữ thì nó sẽ đi qua. Bạn hãy thử làm như vậy. Trong cơn giận dữ, bạn đánh mất mình, bạn giống như một người điên, và bỗng nhiên nhận thức ra bạn sẽ cảm thấy sự thay đổi: bạn sẽ cảm thấy một cú hích bên trong. Có điều gì đấy thay đổi, bản thể bên trong của bạn giãn ra. Phía bên ngoài cần thời gian để thư giãn nhưng phía bên trong đã giãn ra, sự tác động qua lại đã bị cắt đứt
Từ đây bạn không còn đồng nhất mình với cơn giận. Cơ thể cần một chút thời gian để nguôi nhưng phía bên trong bạn tất cả đều tĩnh lặng. Mà khi bạn tĩnh lặng, bạn có thể thưởng thức cả thế giới. Còn khi bạn giận dữ, bạn đánh mất mình. Trong tình trạng như thế thì vui vẻ làm sao được?”


Ưu điểm

Đừng cố gắng chứng minh ưu điểm của mình và đừng hạ mình trở thành hàng hóa. Kinh nghiệm lớn nhất ở đời là đi không phải qua những gì bạn đang làm mà qua tình yêu.
Ngày xưa Lão Tử cùng với những học trò của mình đi vào một khu rừng, nơi có hàng trăm người đang chặt cây. Cả khu rừng bị chặt hết, chỉ còn lại một cây rất to với hàng nghìn nhánh lá. Cây gỗ này to đến nỗi cả hàng nghìn người có thể ngồi dưới tán lá của nó. Lão Tử bảo học trò của mình đến hỏi xem tại vì sao cây này không bị chặt. Khi những người học trò đến hỏi những người chặt cây thì họ trả lời:
- Cây này chẳng có ích lợi gì. Nó chẳng làm được gì vì mỗi nhánh của nó có rất nhiều cành mà không có cành nào thẳng. Dùng để làm củi cũng không được vì khói của nó làm cho cay mắt. Chính vì những điều này mà chúng tôi không chặt hạ nó.
Những người học trò quay lại kể cho Lão Tử nghe. Ông cười và nói:
- Các con hãy như cây gỗ này. Nếu các con có ích – người ta sẽ chặt và các con sẽ trở thành một thứ đồ gỗ nào đấy trong những ngôi nhà. Nếu các con đẹp – các con sẽ trở thành hàng hóa cho người ta đem bán. Các con hãy như cây gỗ này, hãy vô ích, khi đó các con sẽ to lớn và hàng nghìn người sẽ ngồi dưới bóng của các con.
Và Lão Tử dặn thêm: “Hãy làm những kẻ cuối cùng. Hãy đi khắp thế gian mà cứ tựa hồ như các con không hề có. Đừng tỏ ra thông tỏ, đừng cố gắng chứng minh giá trị của mình – điều này không cần. Hãy làm những kẻ vô ích và hãy nghỉ ngơi”.
Bạn đi đánh giá con người theo sự có ích của họ. Hãy làm những việc có ích, nhưng hãy nhớ rằng kinh nghiệm đích thực và sự phấn chấn cao độ chỉ đến từ những việc vô ích. Nó đến từ thơ ca, hội họa, tình yêu. Niềm vui sẽ ngập tràn, nếu như bạn có khả năng làm điều gì đấy không gọi là hàng hóa. Phần thưởng tinh thần ở bên trong và thể hiện bằng nghị lực. Bởi thế, nếu như bạn cảm thấy sự vô ích thì chớ phiền lòng. Bạn có thể trở thành một cây đại thụ với vòm lá xum xuê. Và người ta, những kẻ chỉ lo đi làm những việc có ích… đôi khi cần nghỉ ngơi dưới bóng cây này.


Sự xét đoán

Sự xét đoán chứng tỏ trạng thái xơ cứng của trí tuệ. Đầu óc luôn ưa sự xét đoán vì rằng cảm thấy nguy hiểm trong quá trình phát triển. Bạn hãy tỏ ra dũng cảm, đừng dừng lại, hãy sống trong từng khoảnh khắc, luôn luôn có mặt giữa dòng đời. Câu chuyện dưới đây xảy ra ở Trung Hoa thời Lão Tử, và Lão đã rất thích câu chuyện này.

Ở làng nọ có một ông già rất nghèo nhưng vua chúa cũng phải ganh tỵ với ông vì ông có một con ngựa trắng tuyệt đẹp. Một ông vua gạ mua con ngựa của ông với giá cao chưa từng thấy nhưng ông già luôn bảo:
- Con ngựa này đối với tôi không phải là ngựa. Nó là một nhân cách. Làm sao tôi có thể bán nó được?
Ông già rất nghèo nhưng không bán con ngựa.
Bỗng một hôm ông già không thấy con ngựa trong chuồng. Dân làng kéo đến, kẻ nói ra, người nói vào:
- Ông già rồi mà dại. Chúng tôi đã biết rằng có ngày ngựa sẽ không còn trong chuồng. Ngày trước ông bán đi thì có phải hay không? Thật khổ!
- Các người đừng đi quá xa khi nói như thế - ông già trả lời – chỉ cần nói rằng con ngựa không còn trong chuồng, thế thôi. Ai mà biết điều gì sẽ xảy ra: họa hay là phúc?
Mọi người cười ông già. Họ luôn biết ông là người gàn. Nhưng nửa tháng sau con ngựa trở về. Không phải bị bắt trộm mà con ngựa tự ý bỏ đi. Nhưng nó quay về và rủ 12 con ngựa khác cùng đi theo. Dân trong xóm lại kéo đến xì xào:
- Ông già nói vậy mà đúng. Đấy chẳng phải họa mà giờ thì đã rõ ràng là phúc.
- Các người lại đi quá xa. Chỉ cần nói con ngựa đã quay về. Ai biết phúc hay là họa – ông già trả lời – các người đọc một chữ trong một câu thì làm sao có thể xét cả cuốn sách?
Lần này thì mọi người không còn nói nhiều nhưng nghĩ bụng rằng ông già đã nói không phải: cả 12 con ngựa đẹp thế kia!
Ông già chỉ có đứa con trai một nên suốt ngày nó cưỡi hết con ngựa này đến con ngựa khác. Sau một tuần nó bị ngã ngựa gãy cả hai chân. Dân khắp xóm lại kéo đến:
- Ông lại chứng minh rằng mình đúng! Đấy là họa. Thằng con trai một của ông gãy cả hai chân, mà tuổi xế chiều của ông thì nó là chỗ dựa duy nhất. Bây giờ thì ông nghèo hơn trước.
- Các người vẫn bị ám ảnh vì xét đoán. Đừng đi quá xa như vậy. Chỉ cần nói rằng thằng con trai tôi bị gãy chân. Thế thôi. Ai mà biết được đấy là họa hay là phúc. Đời cứ đến theo từng lúc chứ đâu có đến cả trong một lần.
Thế rồi sau đó chỉ mấy tuần, cả nước bước vào một cuộc chiến tranh. Tất cả trai tráng đều ra trận chỉ còn mỗi thằng con trai ông già ở lại hậu phương vì nó bị què cả hai chân. Khắp làng đầy tiếng khóc và tiếng kêu la vì trong một trận đánh lớn người ta biết rằng hầu hết trai làng không còn quay về nữa. Người ta lại rủ nhau đến nhà ông già:
- Ông già nói đúng. Giờ thì đã rõ ràng đấy là phúc! Thằng con ông tàn tật, thì đã sao, nó vẫn sống cùng với ông. Còn con của chúng tôi thì không bao giờ quay về nữa.
Ông già lại phản đối:
- Các người vẫn cứ tiếp tục xét đoán. Không ai biết được! Chỉ cần nói rằng con trai các người có thể ra trận còn con trai của tôi thì không. Chỉ có trời biết được rằng đó là họa hay là phúc.
Một khi bạn còn xét đoán thì bạn không lớn lên được. Sự xét đoán chứng tỏ trạng thái xơ cứng của trí tuệ. Đầu óc cần sự xét đoán vì cảm thấy mạo hiểm trong quá trình phát triển. Trên thực tế, cuộc hành trình không bao giờ kết thúc. Một phần này kết thúc thì một phần khác bắt đầu, một cánh cửa này đóng lại thì một cánh cửa khác mở ra. Bạn đạt đến đỉnh cao nhưng sẽ xuất hiện một đỉnh khác còn cao hơn nữa. Cuộc đời là một cuộc hành trình đến vô cùng!


Mỗi người vĩ đại theo cách của mình

Ngày xưa ở Ấn Độ có một ông vua có thói quen hỏi tất cả Sannyasin - những người tránh xa cuộc đời trần tục để tìm ra chính mình: “Ai hơn: người tránh xa cuộc đời trần tục để trở thành Sannyasin, hay là người sống giữa cuộc đời và thực hiện nghĩa vụ của người trần?”

Nhiều nhà thông thái của xứ sở này cố gắng giải quyết vấn đề này. Một số người khẳng định rằng Sannyasin hơn thì nhà vua đòi họ phải chứng minh điều này. Khi họ không chứng minh được, nhà vua ra lệnh bắt họ lấy vợ và sống cuộc đời trần tục. Một số khác nói rằng: Người chồng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình là hơn thì nhà vua cũng lại bắt họ chứng minh. Khi họ không chứng minh được, nhà vua lại ra lệnh bắt họ làm những người nội trợ trong gia đình.
Một hôm có Sannyasin đến gặp nhà vua, nhà vua hỏi Sannyasin câu hỏi như trên thì Sannyasin trả lời:
- Thưa nhà vua, mỗi người vĩ đại theo cách của mình.
- Ngươi hãy chứng minh cho ta điều này.
- Thần sẽ chứng minh – Sannyasin trả lời – nhưng bệ hạ phải đi theo thần và sống cùng nhiều ngày, chỉ khi đó thần mới có thể chứng minh được cho bệ hạ.
Nhà vua đồng ý đi theo Sannyasin đến nhiều xứ lạ và cuối cùng họ đến một vương quốc rộng lớn. Nơi họ đến người ta đang tổ chức một buổi lễ long trọng và có rất đông người đến dự. Những người rao mõ loan truyền rằng công chúa của vương quốc này đang lựa chọn đấng quân vương trong số những người đàn ông có mặt.
Công chúa ngồi trên kiệu nhìn ngắm những người đàn ông, nếu nàng không thích ai cả thì bảo những người khiêng kiệu: “Đi tiếp”. Nếu công chúa thích người nào thì nàng sẽ ném một bông hoa đẹp vào người này và, theo tục lệ, người đàn ông này sẽ trở thành đấng quân vương.
Công chúa xinh đẹp như ánh bình minh buổi sớm và phu quân của nàng sẽ được thừa kế cả vương quốc sau khi cha nàng qua đời. Công chúa muốn có một người đàn ông đẹp nhất, nhưng nàng chưa tìm được người như mong ước. Đã rất nhiều lần người ta tổ chức những buổi lễ như vậy nhưng công chúa vẫn chưa tìm ra.
Buổi lễ này có phần long trọng hơn những lần trước đó, số người đến tham dự cũng đông hơn hết. Công chúa ngồi trên kiệu vàng lộng lẫy. Những người khiêng kiệu di chuyển hết chỗ này sang chỗ khác nhưng xem ra công chúa vẫn chưa tìm ra và tất cả mọi người lại thất vọng nghĩ rằng buổi lễ này lại kết thúc như bao lần trước đó.
Bỗng nhiên trong đám đông có một chàng trai trẻ đẹp xuất hiện – chàng là một Sannyasin nãy giờ đứng ngoài quan sát. Kiệu vàng của công chúa đến gần. Vừa mới nhìn thấy Sannyasin trẻ đẹp này, công chúa liền ra lệnh cho những người khiêng kiệu dừng lại và nàng ngắt một bông hoa ném vào Sannyasin. Chàng Sannyasin trẻ đẹp vội vàng vứt bông hoa và kêu lên:
- Rõ vớ vẩn! Ta là Sannyasin. Ta lấy vợ mà làm gì?
Nhà vua thấy cảnh tượng này, nghĩ rằng chàng trai nghèo không dám kết hôn cùng công chúa, đã nói:
- Ta sẽ trao cho người lấy con gái của ta một nửa vương quốc này và sau cái chết của ta thì cả vương quốc này thuộc về người đó.
Nói rồi nhà vua tiếp tục lấy một bông hoa ném vào Sannyasin. Nhưng chàng trai trẻ lại vứt bông hoa và nói:
- Vớ vẩn. Ta không muốn lấy vợ.
Nói xong, Sannyasin bỏ đi rất nhanh. Nhưng công chúa đã yêu người này tha thiết, nàng nói:
- Ta phải lấy được người này hoặc là ta sẽ chết.
Thế là công chúa nhảy xuống đất, vội vàng đi theo chàng trai, mong ước sẽ bằng cách nào đấy làm cho chàng quay trở lại.
Lúc này Sannyasin dẫn nhà vua đi cùng nói với nhà vua: “Ta hãy đi theo họ”. Thế rồi họ cùng đi theo Sannyasin trẻ đẹp kia và công chúa. Chàng Sannyasin từ chối công chúa đi ra khỏi thành phố hướng về một khu rừng, công chúa đi theo sau chàng và cả hai người kia cũng thế, nhưng họ đi cách hai người kia một khoảng cách khá xa.
Chàng Sannyasin trẻ đẹp thuộc mọi lối mòn trong rừng nên bất ngờ rẽ sang một lối mà công chúa không thể nào tìm thấy. Quanh quẩn một hồi không thấy gì, công chúa chỉ biết ngồi khóc. Lúc này hai người kia (Sannyasin và nhà vua) bước đến nói với công chúa.
- Nàng chớ có khóc lóc làm gì. Chúng ta sẽ chỉ đường để nàng thoát ra khỏi khu rừng này nhưng bây giờ trời đã tối, chúng ta cùng nghỉ lại dưới cây cổ thụ này đến sáng mai.
Trên cây cổ thụ có một tổ chim. Chim bố, chim mẹ và ba con chim non. Chim bố nhìn xuống gốc cây thấy ba người khách bèn nói với chim mẹ:
- Em ơi nhà mình có khách nhưng bây giờ mùa đông mà nhà không có lửa.
Thế là chim bố bay đi tìm được một cục than mang về ném cho những người khách. Khách gom củi nhóm lên một bếp lửa nhưng chim bố vẫn cảm thấy chưa bằng lòng nên nói với vợ:
- Khách đến nhà mà ta không có gì để đãi khách. Ta là chủ nhà, nghĩa vụ của ta là không được để khách nhịn đói. Ta sẽ làm tất cả những gì có thể, ta hy sinh mình cho khách đây.
Nói xong những lời này chim bố bay vào bếp lửa đang cháy. Những người khách muốn cứu chim nhưng không kịp trở tay.
Chim mẹ nhìn thấy hành động của chim bố thì nghĩ bụng:
- Họ có ba người, một con chim nhỏ không thể đủ cho ba người. Ta cũng sẽ hi sinh vì khách.
Chim mẹ lại cũng hành động như chim bố, lao vào bếp lửa đang cháy. Những con chim con để ý thấy rằng dù sao cả bố và mẹ vẫn chưa đủ cho ba người khách.
- Bố mẹ chúng ta đã làm những gì có thể nhưng vẫn chưa đủ cho khách. Nghĩa vụ của chúng ta là tiếp tục sự nghiệp của họ.
Nói xong cả ba con chim non cùng nhau lao vào đống lửa. Ba người khách nhìn thấy cảnh tượng này không cầm nổi nước mắt. Họ nhịn đói suốt đêm mà không ăn thịt những con chim đã hi sinh vì họ. Sáng ra, Sannyasin và nhà vua chỉ đường cho công chúa trở về với vua cha. Khi họ quay trở lại, Sannyasin nói với nhà vua:
- Tâu bệ hạ, ngài đã nhìn thấy rồi đấy, mỗi người vĩ đại theo cách của mình. Nếu như ngài muốn sống giữa cuộc đời thì hãy sống như những con chim này, hãy chuẩn bị và biết hi sinh vì người khác. Nếu như ngài muốn tránh xa cuộc đời thì hãy biết sống như chàng trai trẻ kia – là người mà đối với chàng thì người phụ nữ tuyệt vời nhất cùng với cả vương quốc không là gì cả. Mỗi người vĩ đại theo cách của mình, nhưng nghĩa vụ của một người này không thể là nghĩa vụ của một người khác.



Bí mật của hạnh phúc

Một nhà buôn phái đứa con trai mình đi tìm điều bí mật của hạnh phúc ở một nhà thông thái nổi tiếng nhất nước. Chàng trai ra đi vượt qua rất nhiều đồi núi, đồng bằng và cuối cùng đến truớc một tòa lâu đài nằm trên một ngọn đồi. Đấy là tòa lâu đài của nhà thông thái mà chàng đi tìm. Tuy nhiên đáng lẽ được đến trò chuyện với nhà thông thái thì chàng đi vào gian nhà chính, nơi có nhiều nhà buôn qua lại và họ trao đổi về chuyện làm ăn, buôn bán. Trong một gian phòng lớn một ban nhạc đang chơi những những bản nhạc rất hay và một chiếc bàn to đang bày biện những món sơn bào hải vị ngon nhất. Nhà thông thái đang trò chuyện với rất nhiều người nên chàng trai phải đợi gần 2 tiếng đồng hồ mới gặp được.
Nhà thông thái chăm chú lắng nghe chàng trai kể về những băn khoăn và mục đích của chàng đến đây nhưng ông nói rằng lúc này ông đang rất bận nên chưa thể mở ra cho chàng bí mật của hạnh phúc. Nói rồi ông bảo chàng trai hãy đi dạo một vòng trong lâu đài của ông và quay lại sau 2 giờ nữa.
- Nhưng mà ta muốn con làm theo điều này – nhà thông thái vừa nói với chàng trai vừa giơ tay đưa cho chàng một cái thìa mà ông vừa rót vào đó hai giọt dầu cọ  – suốt thời gian mà con đi đây đi đó trong tòa lâu đài này thì con hãy giữ nó trong tay sao cho những giọt dầu không rơi xuống đất.
Chàng trai bước ra đi nhưng đôi mắt chàng không rời chiếc thìa có đựng những giọt dầu. Hai giờ sau chàng quay lại gặp nhà thông thái.
- Thế nào con, – nhà thông thái hỏi – con đã thấy những bức thảm Ba Tư đẹp tuyệt vời trong phòng khách của ta, con đã thấy vườn hoa với những loài hoa đẹp nhất, con đã thấy rất nhiều quyển sách trong thư viện của ta?
Chàng trai thật thà thú nhận rằng chàng chẳng nhìn thấy gì mà mối quan tâm duy nhất của chàng là giữ chiếc thìa sao cho những giọt dầu còn nguyên trong đó.
- Sao lại thế, con hãy quay trở lại thăm thú những vẻ đẹp trong tòa lâu đài của ta đi – nhà thông thái nói với chàng trai – làm sao con có thể tin được người ta nếu con chưa biết gì về cái ngôi nhà mà người đó ở.
Chàng trai nghe có lý nên đã cầm chiếc thìa kia quay trở lại thăm quan tòa lâu đài một lần nữa. Lần này chàng để ý xem kỹ những bức tranh quí treo trong các phòng, chàng thấy vườn hoa có biết bao loài hoa đẹp…
Khi quay trở lại chàng đã kể cho nhà thông thái nghe tất cả những gì mà chàng đã tận mắt chứng kiến.
- Thế những giọt dầu cọ ở đâu rồi? Những giọt dầu mà ta đã tin tưởng trao cho con?
Chàng trai nhìn chiếc thìa không, những giọt dầu đã rơi hết từ khi nào mà chàng không biết.
- Đấy chính là lời khuyên duy nhất mà ta có thể khuyên con: bí mật của hạnh phúc là ở chỗ khi con mải mê ngắm nhìn những vẻ đẹp ở khắp cõi trần gian con không được quên một điều rằng trong tay mình đang có chiếc thìa đựng những giọt dầu mà mình phải lo gìn giữ.


 Giai thoại về cái giếng cạn và con lừa

Một con lừa bị rơi xuống một cái giếng nước đã cạn đến đáy. Con lừa kêu rống lên, người chủ chạy đến nhưng đành giơ hai tay lên trời vì không thể nào kéo được nó lên. Khi đó trong đầu người chủ nảy ra một ý nghĩ: “Con lừa già rồi, sắp chết đến nơi rồi, đằng nào thì ta cũng đã chuẩn bị mua con lừa khác. Còn cái giếng cũng đã cạn khô. Từ lâu ta đã chuẩn bị đào giếng mới. Thế thì tại sao ta không làm luôn bây giờ: cùng lúc vừa chôn được con lừa già vừa lấp được cái giếng đã cạn khô?

Người này bèn nhờ mấy người hàng xóm cùng giúp lấp giếng. Tất cả mọi người dùng xẻng đào đất đổ xuống giếng. Con lừa nhận thấy sự nguy hiểm đã kêu rống lên. Sau đó bỗng nhiên con lừa im lặng, làm cho mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên. Sau một hồi đổ đất xuống giếng, người chủ quyết định nhìn xuống để kiểm tra xem, trong khi những người hàng xóm vẫn tiếp tục công việc. Người này đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy cứ mỗi xẻng đất đổ lên lưng con lừa thì nó lại rùng mình, giũ xuống dưới bàn chân rồi giẫm lên. Cuối cùng con lừa dần dần được nâng lên và nhảy ra khỏi giếng.
… Trong cuộc đời bạn cũng gặp không ít những bụi bặm, đất đá do cuộc đời ném vào bạn và càng ngày càng có nhiều đợt mới. Cứ mỗi lần như vậy, bạn hãy giũ bỏ chúng và giẫm xuống chân để lên cao hơn. Mỗi vấn đề hiện ra là một viên đá để bạn đi qua dòng suối. Bạn chớ bao giờ dừng lại, chớ bó tay đầu hàng thì bạn sẽ vượt lên cho dù từ cái giếng sâu nhất. Để trở thành một người hạnh phúc, hãy nhớ mấy qui tắc: 1) Hãy giải thoát con tim khỏi điều thù hận – hãy tha thứ. 2) Hãy giải thoát con tim khỏi những lo lắng – đa số là vô ích. 3) Sống một cuộc sống bình thường, biết quí trọng những gì mà mình đang có. 4) Hãy cho nhiều hơn. 5) Trông đợi ít hơn.


Thay đổi thế giới

Một người đàn ông kể rằng thời trẻ ông nhận thấy thế giới này có nhiều bất công và rất mong thay đổi nó, làm cho nó trở nên công bằng hơn.
Năm tháng trôi qua, người đàn ông nhận ra rằng mình không thể thay đổi được thế giới. Người này thường cầu xin Trời Phật cho ông thay đổi được phần nào những người thân yêu nhất: vợ và các con ông.
Đến khi về già, cảm thấy sức lực đã không còn, một hôm người này cầu xin: “Con đã không thay đổi được thế giới, thậm chí, đã không thể thay đổi được những người thân, vậy thì xin Trời Phật hãy cho con thay đổi chính bản thân mình”. Và người đàn ông nghe câu trả lời: “Muộn rồi con ạ, giờ thì không kịp nữa rồi”.


Lời nói và ý nghĩa 

Ngày xưa có ông già đi vào rừng sâu gặp một bầy thú đang tổ chức một cuộc thi tài hùng biện. Giám khảo là một con sư tử đã mời ông già cùng tham dự và ông già đồng ý.
Đầu tiên là một con cáo bước lên nói những lời rất khôn ngoan và ý nghĩa những lời của cáo có thể tóm gọn là: “Mặt trăng to hơn mặt trời”.
Tiếp đến là một con voi. Giọng của voi rất mạnh mẽ và trầm hùng. Ý nghĩa của lời voi là: “Mùa hè lạnh hơn mùa đông”.
Sau đó nữa là đến lượt chúa sơn lâm trổ tài hùng biện. Hổ nói rằng: “Sông chảy ngược lên vách đá”.
Ông già nghe những lời này bỗng nói với sư tử giám khảo:
- Chúng là những nhà hùng biện tuyệt vời! Tuy nhiên, ta lấy làm phân vân lắm. Tất cả đều nói những điều mà ai ai cũng đều biết là không đúng. Nhưng không chỉ có vậy: khán giả cũng không để ý đến điều này, hoặc là với họ thế nào cũng được. Tại sao tất cả thí sinh đều nói dối?
- Ông già chớ bận tâm! Đấy chỉ đơn giản là theo thói quen xấu thôi mà – sư tử trả lời – nhưng điều khán giả quan tâm là khái niệm chứ không cần sự khai sáng. Và nữa, nếu ông già không phản đối, những thói quen xấu này là do chúng bắt chước con người.
Những nhà truyền đạo, thuyết pháp, những nhà chính trị là những nhà hùng biện tuyệt vời nhất, họ là những nhà tư tưởng vĩ đại, họ thêu dệt những học thuyết và những triết lý phức tạp nhưng họ không phải là những kẻ thành tâm với tôn giáo. Mà tôn giáo, đối với họ, là một nghề. Còn khán giả (những người nghe) không quan tâm đến sự khai sáng mà người ta đi tìm thú tiêu khiển. Dù bạn đi đến rạp hát hay vũ trường, đến chùa chiền hoặc nhà thờ thì bạn cũng đều quan tâm đến một điều như vậy cả: bạn đi tìm một nơi chốn để có thể quên đi chính mình. Bạn đi tìm thú tiêu khiển.
Sự khai sáng – đấy là điều trái ngược. Bạn hãy đi tìm ở trong mình một nơi chốn không thể quên được bản thân mình, và ngay cả nếu bạn muốn, bạn cũng không thể quên được, bởi vì ở đó quá trình nhớ đến bản thân là một ngọn lửa cháy thường xuyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét